Thứ ba 30/04/2024 08:16

3 lần nhập viện điều trị rối loạn tâm thần vì thói quen uống rượu đến quên ăn, quên ngủ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, trong quý I/2024, Khoa Tâm thần - Thần kinh đã tiếp nhận điều trị gần 100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu.
3 lần nhập viện điều trị rối loạn tâm thần vì thói quen uống rượu đến quên ăn, quên ngủ
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: BV

Điển hình là trường hợp bệnh nhân H.V.T, 43 tuổi, ở huyện Văn Lãng, nhập viện trong tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác và co giật. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu và chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, anh T thường xuyên uống rượu, đã nhiều lần anh chỉ uống rượu, chứ không ăn, không ngủ và bị lên cơn co giật, mê sảng. Đây cũng là lần thứ 3 anh T nhập viện điều trị do rối loạn tâm thần từ lạm dụng rượu.

Bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà - Phó trưởng Khoa Tâm thần – Thần kinh cho biết: "Thời gian gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 1-2 bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu. Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày...".

Đặc biệt nguy hiểm là tình trạng sảng run với các biểu hiện như mê sảng, dễ bị kích động, mất kiểm soát cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác, hành vi bạo lực. Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người lạm dụng rượu, do nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu, thường xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ 12 - 48 giờ.

Rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây tổn hại đến não bộ, nội tạng và rối loạn chuyển hóa, khiến việc điều trị trở nên phức tạp. Các bác sĩ phải theo dõi sát sao bệnh nhân, kết hợp điều trị bằng thuốc, động viên tinh thần và hỗ trợ tâm lý cho cả bệnh nhân và gia đình.

Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất là duy trì điều trị và chống tái sử dụng rượu cho bệnh nhân tại gia đình và cộng đồng.

Bác sĩ Hà nhấn mạnh: "Bản thân người bệnh cần có nghị lực từ bỏ rượu, tuân thủ phác đồ điều trị và liệu pháp tâm lý. Gia đình và xã hội cần kiên trì, không kỳ thị, xa lánh mà cần giúp đỡ người bệnh tái hòa nhập cộng đồng. Khi phát hiện dấu hiệu rối loạn tâm thần do rượu, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách".

Bên cạnh đó, bác sĩ Hà khuyến cáo, mỗi người cần nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia, duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất kích thích để bảo vệ sức khỏe.

Ngộ độc rượu bia ngày Tết: nguy cơ tiềm ẩn và cách xử lý
18 người tử vong sau khi uống rượu
Bảo Long
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động