Yêu cầu siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực trong ngành Tòa án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. |
Theo Chỉ thị, tòa án các cấp phấn đấu bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định. Trong đó, giải quyết, xét xử đạt từ 90% trở lên đối với các vụ án hình sự; đạt từ 85% trở lên đối với các vụ, việc dân sự; đạt từ 65% trở lên đối với các vụ án hành chính; đạt từ 60% trở lên đối với các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tòa án các cấp cũng cần hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án đã giải quyết.
Đặc biệt, chỉ thị đặt mục tiêu đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ ít nhất 1 bản án, quyết định đối với TAND cấp tỉnh, tòa án quân sự quân khu và tương đương; 3 bản án, quyết định đối với TAND cấp cao, Vụ Giám đốc kiểm tra thuộc TAND tối cao.
Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, Chỉ thị nhấn mạnh việc bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm cũng như vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Cùng đó là đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. “Có giải pháp tăng hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án này”, Chỉ thị nêu.
Để nâng cao chất lượng xét xử, tòa án các cấp cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp; giải quyết, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm đã được Viện KSND kiến nghị và đề ra các biện pháp phòng ngừa, nhất là các vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của tòa án.
Về công tác xây dựng ngành, Chỉ thị lưu ý thực hiện nghiêm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán và quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong tòa án.
TAND các cấp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, người có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
“Tăng cường hoạt động giám sát thẩm phán; xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu ở những nơi để xảy ra việc thẩm phán, thư ký, công chức tòa án vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự”, Chỉ thị nêu rõ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại