Ngành Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến 1.027 vụ án
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChánh án TAND Tối cao trình bày Báo cáo tại phiên họp |
Các Tòa án đã tuyên 1.390 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã thụ lý 80.993 vụ với 156.106 bị cáo; đã giải quyết, xét xử được 69.025 vụ với 127.837 bị cáo (đạt tỷ lệ 85,2% về số vụ và 82% về số bị cáo). Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm; các Tòa án đã phối hợp với Viện kiệm sát Nhân dân tổ chức 6.627 phiên tòa rút kinh nghiệm. Đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: vụ án Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; vụ án Nguyễn Minh Hùng xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế… Các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 592 vụ, 1.390 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 1.700 tỷ đồng và các tài sản khác; có 326 vụ với 879 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt là hơn 530 tỷ đồng. Các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử 154 vụ với 256 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh.
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 408.065 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 277.749 vụ việc (đạt tỷ lệ 68,06%). Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát Nhân dân tổ chức 3.293 phiên tòa rút kinh nghiệm giúp nâng cao chất lượng tổ chức phiên tòa.
Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã thụ lý 11.433 vụ; đã giải quyết, xét xử được 5.589 vụ (đạt tỷ lệ 49%). TAND Tối cao đã chỉ đạo các Tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện; nghiên cứu, thí điểm việc tổ chức các buổi đối thoại bằng hình thức trực tuyến; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Trong kỳ báo cáo, không có vụ án để quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; các Tòa án đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Các Tòa án đã áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với 12.731/13.322 hồ sơ, đạt tỷ lệ 95,6%. Các TAND cấp huyện đã giải quyết 100% hồ sơ đề nghị áp dụng việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án kèm theo hướng dẫn quy trình, biểu mẫu hòa giải, đối thoại; xây dựng Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Các Tòa án đã chủ động bố trí phòng làm việc cũng như trang thiết bị phục vụ công tác hòa giải phù hợp điều kiện của đơn vị. Đến nay, đã bổ nhiệm được hơn 3.000 hòa giải viên.
Tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TAND Tối cao và các TAND cấp cao phải giải quyết là 11.646 đơn/vụ; đã giải quyết được 4.836 đơn/vụ; đạt tỷ lệ 41,5%.Trong đó, TAND Tối cao giải quyết được 1.644/3.060 đơn/vụ, đạt 53,7%; các TAND cấp cao giải quyết được 3.192/8.586 đơn/vụ, đạt 37,2%).
Trong tổng số 4.836 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 4.540 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 296 đơn/vụ. Về cơ bản, chất lượng trả lời đơn được bảo đảm, đã khắc phục triệt để tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó lại kháng nghị. Việc kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND Tối cao, TAND cấp cao được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, có căn cứ, đúng pháp luật.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý vào Báo cáo |
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, TAND Tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến; tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Nghị quyết với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên TAND các cấp.
Tính đến nay có tổng cộng 188 Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến với tổng cộng 1.027 vụ án. Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến đánh dấu bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, đã giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí và thời gian đến phiên tòa.
Tiếp đó, các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán đều được các Tòa án quan tâm giải quyết kịp thời trong quá trình giải quyết vụ án nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao. Các Tòa án đã giải quyết 3.598/3.924 đơn khiếu nại các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng, đạt tỷ lệ 91,7%.
Công tác giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyển đến được lãnh đạo TAND Tối cao quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương thụ lý, giải quyết, TAND Tối cao và các TAND cấp cao đã giải quyết 148/266 đơn, đạt tỷ lệ 55,64%.
Trong 10 tháng qua, các TAND đã tiếp 159.810 lượt công dân, tăng 62.514 so với cùng kỳ năm trước (trong đó, TAND Tối cao tiếp 1.238 lượt; TAND cấp cao tiếp 5.204 lượt và các TAND cấp tỉnh tiếp 153.368 lượt; lãnh đạo các TAND trực tiếp tiếp 6.356 lượt).
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường gây rất nhiều khó khăn cho Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ; số lượng các loại vụ việc và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết có tính chất ngày càng phức tạp trong khi đó số lượng Thẩm phán, công chức chưa đủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ dẫn đến áp lực công việc rất lớn. Một số cơ quan, tổ chức chưa thực sự quan tâm đến công tác phối hợp với Toà án, chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, giám định, tham gia định giá tài sản…
Đề nghị Quốc hội tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật giải quyết khiếu nại, tố cáo phù hợp với thực tiễn. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các đạo luật về tố tụng theo hướng quy định thời gian giải quyết dài hơn để đảm bảo chất lượng, kết quả giải quyết, khắc phục những khó khăn cho Tòa án trong thực tiễn, cụ thể là: Điều 505 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 474, 475, 476, 477 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 333 Luật Tố tụng hành chính…
Theo đó, Chánh án TAND Tối cao cũng đề nghị các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội khi nhận được đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với những vụ việc đã được TAND Tối cao xem xét, trả lời nhiều lần, đã có kết luận về việc giải quyết thì hướng dẫn, giải thích cho đương sự; đồng thời có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin với TAND Tối cao để giải thích cho đương sự ngay từ khi tiếp nhận đơn để họ hiểu rõ được quyền và nghĩa vụ của mình, tránh việc phải chuyển đơn và giải quyết nhiều lần.
Góp ý vào báo cáo, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng: các báo cáo đã cho thấy kết quả bước đầu việc triển khai phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội. Theo đó, việc triển khai phiên tòa trực tuyến đã đánh dấu bước đột phá về cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án. Cơ quan có thẩm quyền đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, các Tòa án cũng đã tích cực triển khai thực hiện các phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc như: cơ sở vật chất chưa được triển khai đồng bộ, các điểm cầu bị gián đoạn vì lỗi kỹ thuật, áp lực kinh phí cho các đơn vị, còn lúng túng trong phối hợp triển khai giữa các đơn vị.
Để đảm bảo công tác triển khai phiên tòa trực tuyến phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị TAND Tối cao đánh giá đầy đủ hơn kết quả thực hiện phiên tòa trực tuyến, đặc biệt là những khó khăn, bất cập để có giải pháp thực hiện đồng bộ.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ, TAND Tối cao quan tâm, phát huy hiệu quả Tòa án điện tử, Trợ lý tòa án ảo, khai thác có hiệu quả kho dữ liệu lớn của TAND Tối cao, tập trung đầu tư cơ sở vật chất thiết bị xét xử trực tuyến đảm bảo đồng bộ công nghệ, đường truyền theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại