Thứ hai 25/11/2024 22:38

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên mạng xã hội” là phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Quốc hội

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”

Chiều 25/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Phát biểu góp ý tại Phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ quan tâm đến nội dung về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định tại dự thảo Luật, đặc biệt về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo…

Đại biểu cho biết, khoản 8 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên mạng xã hội” là phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ. Trên thực tế có thể thấy, quảng cáo hiện nay nổi bật 2 xu hướng là quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo trên internet.

Đối với quảng cáo trên truyền hình, đại biểu cho biết, nhiều năm qua, truyền hình đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu trong mỗi gia đình, trở thành một loại hình tương tác hai chiều với phạm vi tác động rất rộng và khả năng hội tụ công chúng một cách đông đảo. Chính vì thế, đây là hình thức mà các nhà sản xuất, doanh nghiệp quảng cáo quan tâm, lựa chọn đầu tiên trong chiến lược quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Khái niệm tại dự thảo Luật cũng đã bỏ qua phạm vi “trên truyền hình” này.

Đối với hình thức quảng cáo trên internet, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram.… hiện đang phát triển rất mạnh ở nước ta. Điều đó có nghĩa là quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân. Xét về tính chất, đặc điểm thì mạng xã hội là một trong những ứng dụng được sử dụng trên nền tảng internet. Do đó, đại biểu cho rằng, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên internet” sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi “trên mạng xã hội” thành “trên internet” cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet”…

Đặc biệt đại biểu đề nghị xem xét lại tiêu đề của Điều 15a về “Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì các nội dung quy định tại Điều 15a là nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chứ không nhắc đến quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như: Quyền được doanh nghiệp, nhà sản xuất thuê làm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm quảng cáo…

Tại khoản 2 Điều 15a quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo: “Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này”. Về nội dung này, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại tính hợp lý và khả thi, bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được thuê với mức thù lao như ngày công lao động thông thường để mặc trang phục, đi diễu hành nhằm gây sự chú ý, từ đó đạt được mục đích quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh, thì những người này không đủ chuyên môn và trình độ, điều kiện để kiểm tra sản phẩm quảng cáo.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc hội

Cũng quan tâm đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo đại biểu Sùng A Lềnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng cần cân nhắc quy định về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng này.

Đại biểu bày tỏ tán thành chủ trương quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, tuy nhiên, điểm c, khoản 5 Điều 15a của luật hiện hành quy định: khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm. Đại biểu cho rằng, quy định này có ảnh hưởng rất lớn đến ngành quảng cáo, do đó, cần cân nhắc, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn.

Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ một số nội dung như: việc đăng tải ý kiến, cảm nhận được thực hiện bằng hình thức nào.

Theo đại biểu, hiện nay, có rất nhiều hình thức đăng tải như video clip, phát trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, người chuyển tải đăng video clip, bài viết trên mạng xã hội của mình, người chuyển tải bình luận trên các trang thông tin điện tử, trang cá nhân của người khác. Cùng với đó, cần làm rõ cơ chế xác nhận người chuyển tải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm, chế tài đối với trường hợp trực tiếp phát hiện người chuyển tải chưa trực tiếp sử dụng sản phẩm quảng cáo, hoặc đã sử dụng nhưng kết quả thực tế không đúng như người chuyển tải sản phẩm đã quảng cáo.

Về quảng cáo trên mạng, đại biểu tán thành bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ. Đại biểu cho rằng, những quy định này sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua.

Đại biểu cho biết, thực tế hiện nay có không ít quảng cáo có chứa đường dẫn đến trang thông tin cá nhân như trang cá nhân trên mạng xã hội, đến những ứng dụng trên thiết bị di động, thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa quy định về nội dung của trang thông tin cá nhân, ứng dụng trên thiết bị di động phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát đối với nội dung này.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An. Ảnh: Quốc hội

Bổ sung hành vi bị cấm quảng cáo trên môi trường mạng

Góp ý về quảng cáo trên mạng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, Điều 23 sửa đổi bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quảng cáo trên môi trường mạng, trong đó có quy định về quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo trên mạng.

Theo đại biểu, dự thảo quy định trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin quy phạm pháp luật, tiếp nhận thông báo và gửi giấy xác nhận cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng.

Tuy nhiên, dự thảo chỉ mới xác định trách nhiệm tự gỡ bỏ của người quảng cáo, trách nhiệm cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi đó chưa rõ các cơ quan chức năng có thẩm quyền là những cơ quan khác.

Đại biểu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta kiểm soát rất chặt về quảng cáo nhưng là trên truyền hình, trên báo chí nhưng trên mạng xã hội thì rất lỏng lẻo do thiếu hành lang pháp lý cũng như sự đa dạng, phức tạp khó quản lý của các hoạt động trên môi trường mạng như báo cáo tổng kết cũng nêu. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát, phát hiện xử lý qua, chúng ta không đạt được mục tiêu phòng ngừa, ngăn ngừa, răn đe hoạt động quảng cáo có vi phạm trên môi trường mạng, thì chúng ta cũng không làm tốt, hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đang bùng nổ phổ biến hiện nay, mà chỉ là chạy theo giải quyết hậu quả, thiệt hại khi có khiếu nại, tố cáo và phát hiện sai phạm qua thanh tra, kiểm tra.

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa Luật Quảng cáo lần này bổ sung thêm các hành vi cấm tương ứng với đặc thù quảng cáo trên môi trường mạng và bổ sung điều hay thêm chương riêng về điều kiện, cách thức, trình tự rất rõ ràng, cụ thể về đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo lên mạng hoặc loại sản phẩm hàng hóa dịch vụ không được phép quảng cáo lên không gian mạng hoặc những hành vi chia sẻ lên mạng không phải là quảng cáo mà như là quảng cáo.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Quốc hội

Nêu quan điểm về việc quảng cáo trái với văn hóa, thuần phong mỹ tục, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể về việc này như th ế nào. Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu, đưa ra quy định rõ hơn về việc quảng cáo trên mạng xã hội...

Thực tế cho thấy, nhiều quảng cáo xuất hiện với tần suất quá nhiều và đôi khi phát lại khung giờ không phù hợp trên truyền hình, ngôn ngữ có khi gây hiểu nhầm, tạo ra hiệu ứng ngược. Trong khi đó, một số nội dung quy định vẫn mang tính chung chung như cấm quảng cáo sản phẩm trái với văn hóa. Trong khoản ba, Điều 8 của Luật Quảng cáo chưa quy định rõ cụ thể thế nào được gọi là trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, chưa định hướng cho Đài Truyền hình thực hiện hoạt động quảng cáo hiệu quả.

Do đó, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này phải có quy định hoặc giao Chính phủ hướng dẫn thống nhất định nghĩa “trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam” là như thế nào?

Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật sẽ không còn Nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật sẽ không còn "đất diễn"
Người có ảnh hưởng khi quảng cáo phải đã trực tiếp sử dụng sản phẩm Người có ảnh hưởng khi quảng cáo phải đã trực tiếp sử dụng sản phẩm
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động