Tòa án điện tử mang đến nhiều lợi ích
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhần mềm “Trợ lý ảo thẩm phán” giúp tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ |
Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án là xu hướng tất yếu, mang lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước trong chiến lược cải cách tư pháp.
TANDTC chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tối đa các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để xây dựng Tòa án điện tử (TAĐT) - một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống tòa án. Bản chất của TAĐT là chuyển một phần hoạt động của tòa án từ không gian thực lên không gian số, trong đó, cốt lõi là việc tiến hành, tối ưu hóa và phát triển trên nền tảng số một số hoạt động như: Quản trị nội bộ tòa án; công khai hoạt động của tòa án; cung ứng cho người dân các dịch vụ tư pháp công; hỗ trợ các tiện ích nâng cao hiệu quả hoạt động của các chức danh tư pháp; kết nối và khai thác cơ sở dữ liệu của các nền tảng số quốc gia; đặc biệt là tiến hành các hoạt động tố tụng điện tử.
TAĐT mang đến nhiều lợi ích to lớn cho tòa án, người dân và xã hội, cụ thể là: Thứ nhất, tăng năng suất lao động của tòa án. Nhiều hoạt động tố tụng đang được thực hiện theo phương thức truyền thống từ xưa đến nay, vốn tốn kém về thời gian và nhân lực, khi thực hiện thông qua nền tảng số sẽ được tự động hóa hoặc tiến hành trực tuyến (từ khâu thụ lý đơn khởi kiện, tiếp nhận hồ sơ vụ án cho đến kết thúc vụ án), đây là giải pháp để khắc phục một phần khó khăn, áp lực khi số lượng các vụ án gia tăng không ngừng.
Thứ hai, hỗ trợ Thẩm phán trong hoạt động tiến hành tố tụng. TAĐT với ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn sẽ giúp Thẩm phán và Thư ký tòa án xử lý hồ sơ nhanh hơn, thuận tiện hơn trong việc tra cứu văn bản pháp luật và án lệ liên quan, tìm kiếm các vụ án có tình huống pháp lý tương tự.
Thứ ba, TAĐT tạo điều kiện cho người dân thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng ở mọi nơi, mọi thời điểm thông qua nền tảng số. Người dân còn có thể sử dụng các dịch vụ tra cứu các bản án, hỗ trợ phân tích và dự đoán kết quả tố tụng… TAĐT tạo điều kiện cho các đương sự, nhân chứng, luật sư vì nhiều lý do khác nhau, như dịch bệnh, bệnh tật, ở xa, khó khăn về kinh tế,… không thể trực tiếp có mặt tại trụ sở tòa án mà vẫn có thể tham gia phiên tòa.
Thứ tư, TAĐT sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc công khai, minh bạch toàn bộ hoạt động, tiến độ và kết quả xét xử, tạo điều kiện để người dân theo dõi, giám sát quá trình giải quyết vụ án của tòa án. Đặc biệt, góp phần hữu hiệu tăng năng lực giám sát tiến độ thụ lý vụ án trong nội bộ hệ thống tòa án, tăng tính minh bạch và phòng ngừa tiêu cực. Qua đó, nâng cao uy tín của TAND.
Thứ năm, TAĐT với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin sẽ giúp tiết kiệm đáng kể cho ngân sách. Việc tổ chức trực tuyến đến nhiều điểm cầu các hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn chuyên môn sẽ tạo điều kiện mở rộng thành phần tham dự tới Thẩm phán, cán bộ tòa án toàn quốc để trao đổi nghiệp vụ, nâng cao trình độ mà không làm phát sinh thêm chi phí đi lại, công tác phí, tiết kiệm thời gian…
Mang lại nhiều lợi ích
Chánh án Nguyễn Mạnh Hùng nêu, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của tòa án mang lại rất nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí, thủ tục, phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn, áp lực, việc trích xuất các bị cáo ra xét xử cũng như việc tiến hành các thủ tục tố tụng đối với các đương sự gặp nhiều khó khăn thì việc áp dụng công nghệ thông tin như phiên tòa trực tuyến hiện nay đang bắt đầu tiến hành đã phần nào giải quyết được những khó khăn khách quan, tạo điều thuận lợi cho cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng khác trong các.
Thực hiện chủ trương của Ban cán sự Đảng TAND TC về chuyển đổi số và xây dựng TAĐT, TANDTC ban hành Kế hoạch 49/KH-TANDTC ngày 15/3/2022 của Chánh án TANDTC: Đưa “Trợ lý ảo” làm việc trực tuyến 24/7 để hỗ trợ cho Thẩm phán, lãnh đạo TAND quận Hoàn Kiếm đã phân công một đồng chí Phó Chánh án phụ trách và yêu cầu các đồng chí Thư ký trẻ có kiến thực nhất định về công nghệ thông tin tham gia tập huấn về phần mềm trợ lý ảo cùng với Thẩm phán để giúp đỡ Thẩm phán giải quyết những vấn đề vướng mắc khi áp dụng “Trợ lý ảo”.
TAND quận Hoàn Kiếm, với tính chất là một quận Trung tâm của TP Hà nội đã đẩy mạnh việc việc ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là ứng dụng “Trợ lý ảo”, cụ thể như: Mọi hoạt động tố tụng, từ khi tiếp nhận đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án, phân công giải quyết vụ án cho đến khi giải quyết, xét xử xong sẽ được tự động cập nhật trên hệ thống. Chánh án sẽ quản lý được các hoạt động tố tụng từ khi nhận đơn khởi kiện…
Thông qua đó sẽ nhắc nhở và giúp Thẩm phán tránh nguy cơ vi phạm, sai sót. Ứng dụng các phần mềm giám sát, đánh giá Thẩm phán để Chánh án thực hiện công tác quản lý, điều hành. Toàn bộ hồ sơ gốc sẽ được quản lý và lưu trữ trên cơ sở dữ liệu lớn của nền tảng số. Yêu cầu các Thẩm phán, Thư ký thường xuyên sử dụng phần mền “Trợ lý ảo” tra cứu các văn bản pháp luật, án lệ và bản án có tình huống pháp lý tương tự, lấy đó là bài học kinh nghiệm để phục vụ công tác chuyên môn đạt hiệu quả cao. Tích cực tham gia các lớp tập huấn, trao đổi về việc ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” giữa các Thẩm phán và thư ký để góp phần làm giàu tri thức “Trợ lý ảo”.
Việc nghiên cứu xây dựng hệ thống “Trợ lý ảo” được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (thực hiện trong năm 2021); Giai đoạn 2 (thực hiện trong năm 2022); Giai đoạn 3 (thực hiện từ năm 2023 đến 2030). Đến thời điểm hiện tại, TAND TC đã hoàn thành việc xây dựng giai đoạn 1 phần mềm “Trợ lý ảo” sẵn sàng đưa vào sử dụng và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 theo kế hoạch đã đề ra. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại