Tòa án xét xử kín trong trường hợp nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái sắp cùng nhau hầu tòa |
Liên quan đến vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" và cha ruột hành hạ đến tử vong, thông tin mới nhất được biết, vào lúc 8h sáng 21/7 tới đây, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Gia Lai) và Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM).
Bị cáo Trang bị Viện KSND TP HCM truy tố về các tội “Giết người và hành hạ người khác”, còn bị cáo Thái bị truy tố về tội “Hành hạ người khác và che giấu tội phạm”. Theo thông báo, vụ án này sẽ được xét xử kín.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn. Những người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho bé N.T.V.A. SN 2013 gồm các luật sư: Trần Thị Ngọc Nữ, Phạm Công Hùng, Khưu Mỹ Vinh và Nguyễn Ánh Thơm. Ngoài ra, tòa còn triệu tập 5 nhân chứng và 2 giám định viên thuộc Phòng kỹ thuật hình sự CA TP HCM.
Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, đây là vụ việc được dư luận rất quan tâm vì sao tòa lại xét xử kín mà không xét xử công khai để người dân theo dõi?
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “TAND xét xử công khai, trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”.
Căn cứ vào quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định rõ: "Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Luật sư Nguyên phân tích thêm, xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai, nhưng phải tuyên án công khai.
Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.
Chia sẻ thêm, luật sư Nguyên cho biết, đối với vụ án cháu bé 8 tuổi bị dì ghẻ bảo hành đến tử vong có thể Tòa án chủ động xét xử kín vụ án để đảm bảo bí mật đời tư cá nhân cho cháu bé và gia đình, có những tình tiết của vụ án có thể gây đau lòng cho người thân của cháu bé và có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực đối với những đứa trẻ khác. Ngoài ra, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử có thể đại diện người bị hại có đơn đề nghị Tòa án xét xử kín để bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư của cháu bé và những người thân trong gia đình cháu bé theo quy định của pháp luật.
“Vì vậy theo quan điểm cá nhân tôi thì đối với vụ án này, bé V.A là người chưa đủ 18 tuổi nên thuộc trường được xét xử kín là hợp lý. Đại diện gia đình người bị hại, Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại có mặt tại phiên tòa phải cùng với sự giám sát của đại diện VKS là những yếu tố để đảm bảo vụ án được giải quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật. Ngoài ra quy định về tuyên án công khai, kết quả giải quyết vụ án về tội danh, về mức hình phạt đối với các bị cáo sẽ được công chúng tiếp cận, đánh giá, giám sát hoạt động tố tụng của Tòa án.
Hình thức xét xử kín hay công khai đối với phiên tòa hình sự sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với hoạt động tư pháp nói riêng, đối với cộng đồng xã hội nói chung. Mục đích cuối cùng của hoạt động xét xử là để xác định sự thật, xử lý đối với người phạm tội, phục hồi các quan hệ pháp luật bị tội phạm xâm phạm, bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, tuyên truyền giáo dục pháp luật, duy trì ổn định, trật tự xã hội, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật để thực hiện các giải pháp đấu tranh phòng và chống tội phạm”, luật sư Nguyên cho hay.
Vụ án xâm hại tình dục có bị hại dưới 18 tuổi phải được xét xử kín | |
Xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại