Vĩnh Phúc: Người dân chuyển biến nhận thức về bình đẳng giới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc tổ chức buổi sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề về giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên năm 2023 cho học sinh. Ảnh Sỹ Hào |
Bình đẳng giới vì mục tiêu phát triển
Trong xã hội ngày nay, phụ nữ có vai trò và vị trí quan trọng, đóng góp nhiều công sức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiểu rõ vai trò của phụ nữ trong xã hội, nên ngày Dân số Thế giới (11/7) vừa qua diễn ra tại Việt Nam đã lấy chủ đề: “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều năm qua việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện các hoạt động nâng cao vị thế vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là những mục tiêu mà tỉnh hướng đến.
Trong những năm qua công tác dân số tại tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng. Quy mô dân số ổn định, cơ cấu dân số, chất lượng dân số ngày càng được nâng cao.
Trước kia, tình trạng phân biệt giới tính sinh con trai con gái rất phổ biến ở các địa phương như Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo. Trong các dịp giỗ chạp cỗ bàn, việc sinh con gái, nhất là những gia đình sinh toàn con gái từng trở thành tâm điểm hứng chịu những lời bông đùa trêu chọc, thậm chí phân biệt đối xử - ngồi mâm trên, mâm dưới. Thì nay, tình trạng nói trên hầu như không còn tồn tại nữa. Việc sinh con gái trong các gia đình là hoàn toàn bình thường, ngày càng có nhiều ông bố tự tin, hãnh diện vì sinh nhiều con gái, bởi vì thực tế con nào cũng quý.
Có nhiều người đàn ông mặc dù là con một của dòng họ, được xem là người gánh vác trên vai trách nhiệm nối dõi tông đường, thế nhưng khi sinh con họ cũng từ chối việc can thiệp để lựa chọn giới tính, mà để việc này hoàn toàn tự nhiên.
Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc tổ chức tập huấn trang bị kiến thức phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh cho cán bộ Dân số cơ sở và người dân trên địa bàn. Ảnh Sỹ Hào. |
Báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc cho biết, việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai cũng ngày càng được nhiều gia đình quan tâm thực hiện.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023 có 6.043 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh, chiếm 86,89% số bà mẹ mang thai, tăng 107 người so với cùng kỳ năm trươc, tăng 1,80%; trẻ em được sàng lọc sơ sinh là 5.988 trẻ, chiếm 86,68% số trẻ em sinh ra, tăng 1.625 trẻ so với cùng kỳ năm trước, tăng 37,24%. Rõ ràng, đây là những chuyển biến về nhận thức theo chiều hướng rất tích cực trong Nhân dân ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn đáng lo ngại (6 tháng đầu năm 2023, số trẻ sinh ra là nam 3.720 trẻ, số trẻ nữ là 3.180 trẻ. Tỷ số giới tính khi sinh là 116,98 bé trai/100 bé gái, giảm 1,33 điểm % so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo theo nhiều hệ lụy, gia tăng tình trạng bạo lực giới, tình trạng mại dâm, buôn bán phụ nữ… Để có được con trai, nhiều phụ nữ đã phải nạo phá thai nhiều lần, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.
Chuyển biến trong nhận thức, hành vi của người dân về bình đẳng giới
Bình đẳng giới để phụ nữ và trẻ em gái được an toàn và phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ là điều cần thiết cho sự phát triển. Trong xã hội hiện đại ngày nay, phụ nữ nói chung đã, đang và tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội không kém cạnh gì so với nam giới.
Nhiều giải pháp đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm nâng cao nhận thức và hành động của người dân về vấn đề bình đẳng giới, từng bước giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), bình đẳng giới, cải thiện sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, căn cứ tình hình thực tế, các cấp, các ngành đã tổ chức hội nghị, hội thảo, mít tinh, cổ động, diễu hành, diễn đàn, đối thoại, giao lưu, tọa đàm bàn về thực trạng, thách thức và giải pháp giải quyết, trong đó ưu tiên triển khai ở các vùng sâu và miền núi.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Tam Dương đã tổ chức 13 hội nghị truyền thông, nói chuyện chuyên đề về giới, giới tính, mất cân bằng giới tính khi sinh tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn cho đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; nam, nữ chuẩn bị kết hôn, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ và các đối tượng liên quan khác, thu hút 960 người tham dự.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, tư vấn về hệ lụy của phá thai, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh, giá dục tình dục cho 120 phụ nữ cư trú trên địa bàn, tuổi từ 15 đến 49.
Tập huấn trang bị kiến thức về chăm sóc nâng cao sức khỏe người cao tuổi cho cán bộ Dân số cơ sở. Ảnh Sỹ Hào. |
Đối với việc thực hiện mục tiêu dân số và phát triển, lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc cho biết, các đơn vị liên quan còn tổ chức 10 hội nghị cung cấp kiến thức về lợi ích của tầm soát trước sinh, sơ sinh, tư vấn sức khoẻ tiền hôn nhân cho các đối tượng có liên quan năm 2023 cho 820 nam, nữ trong độ tuổi kết hôn, phụ nữ có thai tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn.
Tại địa bàn huyện Lập Thạch đã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề về giới, giới tính khi sinh, bình đẳng giới... cho 1.686 học sinh tại 3 trường THCS trên địa bàn huyện.
Thực tế ở Vĩnh Phúc cho thấy, nhận thức của người dân những năm gần đây đã có những chuyển biến rõ rệt về bình đẳng giới - người dân đã giảm hẳn tâm lý lạc hậu trọng nam khinh nữ, kiếm con trai để nối dõi tông đường…
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một bộ phận người dân hiểu biết hạn chế, duy trì quan niệm xem việc sinh được con trai mới quan trọng, mới được làng xóm nể phục. Một bộ phận người dân có tâm lý sinh nhiều con để đề phòng các rủi ro, như tai nạn giao thông, ốm đau, nghiện hút…
Trong thời gian tới, Chi cục Dân số - KHHGĐ Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tổ chức quán triệt sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số-KHHGĐ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác Dân số-KHHGĐ.
Triển khai các hoạt động của đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động theo chỉ tiêu kế hoạch.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hiện các chính sách Dân số-KHHGĐ. Chú trọng, tuyên truyền giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, việc giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Bên cạnh đó, Chi cục Dân số-KHHGĐ cũng sẽ tăng cường tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại