Thứ bảy 27/04/2024 01:45

Văn bản phân chia đất đai không có chứng thực có giá trị pháp lý không?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hỏi: Nhà chồng tôi có 2 mảnh đất: một mảnh là đất dịch vụ mang tên mẹ chồng tôi; một mảnh đất là đất hương hỏa có giấy chứng nhận mang tên bố chồng tôi. Hiện tại bố chồng tôi đã mất. Mọi người trong gia đình thống nhất anh chồng tôi sẽ đứng tên mảnh đất dịch vụ của mẹ chồng tôi, còn đất hương hỏa sẽ sang tên cho chồng tôi đứng tên. Mọi người đã ký vào biên bản họp gia đình và có người làm chứng nhưng không mang đến UBND phường để xác nhận. Tôi có đến văn phòng công chứng để hỏi thì bên đó nói không trong phạm vi của họ mà UBND phường không xác nhận chuyện đó, như vậy có đúng không? Nếu không có dấu xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thì sau này có tranh chấp thì biên bản họp gia đình đó có giá trị pháp lý không? Đinh Thị Thu (quận Hoàng Mai, Hà Nội)
van ban phan chia dat dai khong co chung thuc co gia tri phap ly khong

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 612 Bộ Luật Dân sự 2015: Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Theo thông tin như trên thì bố́ chồng bạn đã mất, anh chồng bạn đã nhận đứng tên mảnh đất dịch vụ của mẹ chồng còn đất hương hỏa sẽ sang tên cho chồng bạn đứng tên. Biên bản họp gia đình tất cả đã thống nhất mọi người đã ký và có người làm chứng. Việc lập biên bản họp gia đình như ở trên là chưa đúng với quy định của pháp luật. Do đó, để việc thực hiện Biên bản trên có giá trị pháp lý thì gia đình nhà chồng bạn phải thực hiện phân chia di sản thừa kế bằng văn bản theo quy định. Bố chồng bạn qua đời để lại tài sản là quyền sử dụng đất và được coi là di sản thừa kế, bố chồng bạn mất không để lại di chúc nên di sản bố chồng bạn để lại được phân chia theo pháp luật cho các đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm bố, mẹ, vợ và những người con theo điều 650 và 651 Bộ Luật Dân sự 2015.

Như vậy, gia đình nhà chồng bạn cần lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại cơ quan công chứng hoặc UBND xã phường chứng thực. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản này có thể tặng, cho toàn bộ phần quyền hưởng di sản của mình theo biên bản họp gia đình nêu trên.

Việc khai nhận thừa kế di sản là quyền sử dụng đất là trường hợp bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn việc khai nhận di sản thừa kế theo di chúc một cách thống nhất mà các văn bản chỉ đề cập đến việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Văn bản khai nhận di sản thừa kế được quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014 như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

2. Trường hợp di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó. Trường hợp thừa kế theo pháp luật, thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trường hợp thừa kế theo di chúc, trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có bản sao di chúc.

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định. Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.”

Các bước khai nhận di sản thừa kế bao gồm:

- Trình tự thực hiện: Những người được hưởng di sản thừa liên hệ với phòng công chứng hoặc văn phòng công chứng để lập thông báo về việc khai nhận di sản; Niêm yết công khai thông báo mở thủ tục khai nhận di sản thừa kế tại UBND phường, xã nơi có di sản hoặc nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản trong vòng 15 ngày; Nếu sau thời gian niêm yết không có tranh chấp hay khiếu nại, người được hưởng di sản tiến hành khai nhận di sản tại phòng công chứng; Thực hiện các thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền.

- Hồ sơ pháp lý của những người được hưởng thừa kế gồm: CMND hoặc hộ chiếu (bản chính kèm bản sao có chứng thực) của từng người; Hộ khẩu (bản chính kèm bản sao có chứng thực); Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận tình trạng hôn nhân của vợ hoặc chồng người để lại di sản (bản chính kèm bản sao có chứng thực); Hợp đồng ủy quyền (bản chính kèm bản sao có chứng thực nếu xác lập giao dịch thông qua người đại diện); Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác (bản chính kèm bản sao) chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế.

- Hồ sơ pháp lý của người để lại thừa kế như: Giấy chứng tử (bản chính kèm bản sao) của người để lại di sản; Di chúc (nếu có). Sau khi các bước trên được thực hiện tại văn phòng công chứng thì những người có liên quan mới có thể thực hiện việc thủ tục sang tên trên Giấy CNQSD đất.

Bản Sa
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động