Thứ hai 29/04/2024 18:04

Tình huống ô tô đeo BKS giả gây tai nạn dưới góc nhìn của luật sư

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Liên tục những vụ việc che biển số, dán đổi số, dùng biển giả được phản ánh gây bức xúc trong cộng đồng. Hậu quả, không chỉ người đi xe biển thật bị nhận phạt nguội oan, người gặp tại nạn cũng khó đòi lại công bằng khi xe gây nạn là "xe ma".
Chiếc Ford Ranger nghi gây tai nạn tối 2/7 (bên trái) đeo biển số của chiếc Mitsubishi Triton GLS 2009
Chiếc Ford Ranger nghi gây tai nạn tối 2/7 (bên trái) đeo biển số của chiếc Mitsubishi Triton GLS 2009

Mới đây, anh Đức Anh (Hà Nội) phải lên mạng xã hội kêu gọi sự giúp đỡ của người dân tình cờ đi ôtô ngang qua cổng Trung tâm hội nghị Quốc gia, hướng đi Đại lộ Thăng Long có camera hành trình, nhờ trích xuất video tìm tài xế Ford Ranger gây tai nạn với người thân nhưng đã bỏ chạy.

Theo anh Đức Anh, thời điểm này người nhà chẳng may gặp va chạm giao thông và đang chờ xe cấp cứu thì bị chiếc bán tải Ford Ranger biển số 29H-558.81 đâm phải khiến thương tích nặng hơn. Tuy nhiên, ngay sau va chạm, tài xế Ford Ranger đã lái xe bỏ chạy. Thế nhưng, theo cơ quan đăng kiểm, biển số 29H-558.81 gắn trên chiếc Ford Ranger gây tai nạn thực tế lại chính là biển số của xe Mitsubishi Triton GLS đời 2009 như người dùng mạng xã hội phản ánh.

Chiếc xe này đăng ký lần đầu vào tháng 9/2010 và mới sang tên đổi chủ vào tháng 12/2021. Như vậy, biển số mà chiếc Ford Ranger đeo trong vụ tai nạn có dấu hiệu giả mạo, khiến việc truy tìm khó khăn.

Trước tình huống này, nhiều người dùng xe đều khuyên anh Đức Anh nên tường trình đến CQCA để có cuộc điều tra chính thức về xe gây tai nạn đeo biển số giả.

Luận bàn về vấn đề này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cấm người điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng hoặc biển số giả.

Hiện tượng người tham gia giao thông sử dụng băng dính che biển số xe hoặc biển số giả để tránh bị phạt nguội khi tham gia giao thông là những hành vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, những hành vi này đều bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Còn tại điểm c khoản 3 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau: “Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi gắn biển số bị che lấp, dán thêm làm thay đổi chữ, số”

Do đó, trường hợp người điều khiển ô tô đi trên đường có hành vi sử dụng băng dính che biển số hoặc sử dụng biển số giả thì đương nhiên được coi là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, không cần biết phương tiện đó có vi phạm lỗi khác hay không. Ngoài việc bị xử phạt về hành vi che lấp biển số, dán thêm làm thay đổi chữ, số của biển số thì người điều khiển ô tô còn bị xử phạt với các lỗi vi phạm khác.

Một phương tiện lưu thông bình thường trên cao tốc chưa chắc đã vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng nếu có hành vi dùng băng dính che biển số, sử dụng biển số giả thì chắc chắn sẽ bị xử phạt vì đã vi phạm pháp luật. Do đó, người điều khiển ô tô nên cân nhắc kỹ trước khi tham gia giao thông, tránh trường hợp tự đưa mình vào tình trạng vi phạm pháp luật không đáng có.

Điểm d khoản 5 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp”.

Tại điểm c khoản 6 điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định: “Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi quy định tại điểm d khoản 5 điều này còn bị tịch thu biển số không đúng quy định, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng”.

Như vậy, trường hợp người điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp để tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; bị tịch thu biển số không đúng quy định; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Luật sư Nguyên nhận định việc các đối tượng sử dụng biển giả, biển bị tẩy xóa, che khuất… không chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường về trật tự, an ninh. Họ dùng biển số giả để làm việc phạm pháp khiến người đi xe biển thật sẽ bị vạ lây, buộc phải chứng minh mình "vô tội" với cơ quan chức năng.

Do vậy, vị luật sư này đề xuất cần tăng nặng mức xử phạt, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự đối với những hành vi cố tình sử dụng biển giả, biển bị tẩy xóa, che khuất… khi tham gia giao thông.

“So với Nghị định 100 trước đó thì Nghị định 123/2021/NĐ - CP đã tăng mức xử phạt đối với hành vi như tẩy xóa, che BKS… lên tối đa là 6 triệu đồng đối với ôtô. Tuy nhiên, mức xử phạt như vậy vẫn còn khá thấp nếu so với các lỗi phổ biến khác, đang ở mức tương đương hoặc cao hơn gấp vài lần”, luật sư Nguyên phân tích.
Tạm giữ ô tô Camry nghi gắn biển số giả để lưu hành
Xe biển xanh 80A gây tai nạn tại Nguyễn Xiển: “Có thể mang biển số giả”
Nhiều vụ việc xe ô tô sử dụng biển số giả đã được phát hiện: Mức xử phạt chưa đủ răn đe
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động