Thứ sáu 22/11/2024 15:52

Thúc đẩy sự thăng hạng Thương hiệu quốc gia Việt Nam

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hướng tới chào mừng kỷ niệm 16 năm ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4/2008 - 20/4/2024), sáng nay (16/4), Bộ Công Thương khai mạc Tuần lễ Thương hiệu quốc gia và Diễn đàn quốc tế Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. Đây là năm thứ 16 chương trình Thương hiệu quốc gia được tổ chức.
Thúc đẩy sự thăng hạng Thương hiệu quốc gia Việt Nam
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia do Bộ Công Thương tổ chức sáng 16/4, tại Hà Nội. Ảnh: Bộ Công Thương.

Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động và có độ mở cao nhất thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 của ASEAN và thứ 40 thế giới.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong Top121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.

“Giá trị thương hiệu quốc Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc của Việt Nam trong hội nhập quốc tế”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá.

Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân, với giá trị thương hiệu quốc gia đạt gần 500 tỷ USD, điều này thể hiện năng lực cốt lõi của Việt Nam đang ngày càng được thế giới thừa nhận và doanh nghiệp (DN) biết cách để phát huy năng lực đó.

TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng, vấn đề xây dựng thương hiệu phải làm thường xuyên, chuyên nghiệp, bài bản, các DN phải có sản phẩm, dịch vụ thể hiện được uy tín, đồng thời phải xây dựng được văn hóa DN, có sức lan tỏa mạnh và kỹ năng làm thương hiệu chuyên nghiệp.

“Các bộ, ngành chức năng nên có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về quảng bá, định hướng tiêu dùng và có những chương trình xúc tiến, phát triển thương hiệu quốc gia từ những mặt hàng hầu như chưa biết đến và biến thành những mặt hàng nổi trội trên thị trường và cần phải có những cách thức hết sức khoa học” - TS Nguyễn Thường Lạng nêu ý kiến.

Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển thương hiệu

Chia sẻ về việc hướng tới những giá trị cốt lõi của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, cần nâng cao nhận thức của xã hội, DN và toàn thể người dân với ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng, phát triển thương hiệu.

Việt Nam đã được thế giới ghi nhận xuất khẩu rất nhiều sản phẩm với số lượng trị giá đứng thứ nhất, thứ hai thế giới. Tuy nhiên, những sản phẩm xuất khẩu chưa được gắn với câu chuyện thương hiệu mà hầu hết chỉ chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, sản phẩm mới qua sơ chế. Do đó, khi xuất khẩu, sản phẩm Việt phải đứng dưới tên một thương hiệu của quốc gia khác.

Do vậy, ông Hoàng Minh Chiến đề xuất, tới đây cần nâng cao năng lực để hỗ trợ cho DN để xây dựng và quản trị, phát triển thương hiệu sản phẩm để có thể tiệm cận, đáp ứng được tiêu chí của chương trình. Đồng thời, phát huy khả năng sáng tạo trong việc thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng đồng đều, ổn định mang tính bền vững,…

Đại diện DN, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gỗ An Cường, Lê Đức Nghĩa, cho biết, với hai thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và Nhật Bản, Công ty An Cường đang định hướng mở rộng sang Canada. Để có chỗ đứng và thành công trên thị trường, định hướng ngay từ đầu của An Cường là không làm gia công. Vì vậy, DN rất tích cực tham gia các hội chợ tại nước ngoài, đồng thời tổ chức các đoàn DN từ Mỹ về thăm nhà máy của An Cường để kết nối trực tiếp các đơn hàng và phát triển thương hiệu.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa TH (Tập đoàn TH), Arghya Mandal chia sẻ, những dự án đầu tư của TH tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen, tạo ra những sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp với sản lượng và chất lượng đột phá, theo chiều hướng phát triển bền vững, có lợi cho sức khỏe.

Tính đến năm 2023, Tập đoàn TH đã 4 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam với các tiêu chí: Chất lượng, Sáng tạo-Đổi mới, Năng lực tiên phong.

“Thương hiệu DN là nền tảng của thương hiệu quốc gia. Một quốc gia tập hợp nhiều DN có thương hiệu tốt và uy tín sẽ nâng cao hình ảnh và vị thế của chính quốc gia đó. Và thương hiệu muốn kể câu chuyện của mình, câu chuyện của quốc gia thì cần phải được truyền thông lành mạnh, nghiêm túc và chân chính”, ông Arghya Mandal cho hay.

Bộ Công Thương đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu
Gần 600 gian hàng từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam
Xây dựng và phát triển Văn hoá Ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động