Thứ sáu 22/11/2024 08:42

Bộ Công Thương đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bộ Công Thương vừa có Văn bản 2122/BCT-TTTN gửi Chính phủ trình bản dự thảo lần 2 đề xuất sửa nhiều quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.
Bộ Công Thương đề xuất để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu
Bộ Công Thương nhấn mạnh việc để doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ tham gia thị trường với vai trò đầu mối sẽ không hiệu quả do không cạnh tranh được chi phí kinh doanh trong khâu tạo nguồn, khó bảo đảm an ninh năng lượng. Ảnh: Nguyễn Vũ.

Để doanh nghiệp tự quyết định giá

Dự thảo nghị định này sẽ thay thế các nghị định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, gồm Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Trong dự thảo lần 2 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng, với cơ chế hiện nay, cơ quan quản lý phải thực hiện qua quá nhiều bước, doanh nghiệp (DN) không được chủ động trong quyết định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý công bố rồi thực hiện theo.

“Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài, chi phí kinh doanh, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được tính toán dựa vào số liệu của quý trước để áp dụng trong tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ở quý sau, chưa sát với thực tế” – cơ quan soạn thảo nhìn nhận.

Như vậy, theo Bộ Công Thương, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết 18 ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị khóa 10, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Vì vậy, dự thảo mới quy định Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng công bố các yếu tố cấu thành giá và để DN tự quyết định giá.

Dự thảo lần 2 quy định định kỳ 7 ngày sẽ công bố giá thế giới bình quân (dự thảo lần 1 lấy bình quân 15 ngày) và cho phép đầu mối được cộng các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để công bố giá bán ra thị trường.

Tuy nhiên, giá bán ra của DN không được cao hơn mức giá được tính toán theo công thức của liên Bộ. Mức 7 ngày như đề xuất lần 2 này đang giống với chu kỳ điều hành giá xăng dầu hiện nay.

Hai phương án tính chi phí, định mức lợi nhuận

Tại bản dự thảo lần 2 này, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án tính giá. Theo đó, Phương án 1, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của DN được tính theo giá trị tuyệt đối. Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy hiện các khoản chi phí từ đầu vào, các khoản chi phí hoa hồng, chiết khấu đến khâu bán lẻ khoảng từ 1.800 - 2.500 đồng/lít.

Phương án 2, chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của DN sẽ biến đổi theo tỉ lệ phần trăm theo biến động của giá xăng dầu thế giới. Theo đó chi phí, lợi nhuận tối đa của DN có thể sẽ dao động tới 20% khi giá thế giới ở mức 30 USD/thùng và giảm dần xuống chỉ còn 4% nếu giá thế giới lên tới 120 USD/thùng.

Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của DN tăng, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh.

Dự thảo Nghị định mới cũng quy định với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, nếu có chi phí thực tế phát sinh tăng cao (đã được kiểm toán), đầu mối và thương nhân phân phối được quyết định giá bán tại địa bàn sau khi có báo cáo gửi Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc tăng giá không được vượt quá 2% giá bán tối đa theo quy định.

Dự thảo lần 2 cũng bổ sung quy định về kết nối dữ liệu số hóa. Trước đây, việc kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu giữa cơ quan quản lý Nhà nước với DN chưa đầy đủ rõ ràng. Do vậy, Bộ Công Thương kiến nghị đẩy mạnh việc kết nối dữ liệu về tổng nguồn, tiêu thụ, tồn kho... giữa thương nhân đầu mối với cơ quan quản lý Nhà nước là điều kiện bắt buộc mà thương nhân phải thực hiện.

Đồng thời, dự thảo lần 2 cũng bổ sung nội dung về kinh nghiệm tham gia thị trường của các đầu mối, thương nhân phân phối. Cụ thể, DN trong vòng 3 năm liền kề không bị cơ quan quản lý xử lý vi phạm; trong đó có hình thức tước Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Quy định mới nêu rõ: đầu mối phải thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000 m3, tấn xăng dầu/năm. Cụ thể, tổng nguồn thực hiện của đầu mối được tính tổng số xăng dầu nhập khẩu, mua từ nhà máy trong nước.

"Xăng dầu mua bán qua lại giữa các đầu mối không được tính vào tổng nguồn xăng dầu tối thiểu. Qua đó, góp phần lựa chọn được DN có năng lực thực sự trong kinh doanh xăng dầu làm đầu mối" - dự thảo nêu rõ.

Bộ Công Thương nhấn mạnh việc để DN có quy mô quá nhỏ tham gia thị trường với vai trò đầu mối sẽ không hiệu quả do không cạnh tranh được chi phí kinh doanh trong khâu tạo nguồn, khó bảo đảm an ninh năng lượng. Nguồn xăng dầu được tính trên lượng nhập khẩu, mua từ nhà máy lọc dầu trong nước chứ không tính lượng mua bán qua lại giữa các thương nhân đầu mối.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc xuất hóa đơn bán lẻ xăng dầu
Vĩnh Phúc: phạt 50 triệu với doanh nghiệp bán xăng dầu khi giấy phép hết hạn
Cần có cơ chế kiểm soát giá trần đối với xăng dầu bán lẻ trên thị trường
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động