Tạo cơ sở thực hiện đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật thống nhất trên cả nước
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐiều kiện để công nhận cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định dựa trên kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các đơn vị cấp xã trên địa bàn và kết quả thực hiện nội dung tiêu chí thuộc trách nhiệm của cấp huyện. Ảnh tư liệu |
Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tiêu chí “xã đạt chuẩn tiếp cận” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thủ tướng chính phủ đã quyết định bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao (Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022) và nội dung “huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong tiêu chí Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công thuộc Bộ tiêu chí quốc về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022.
Đồng thời, tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 cũng xác định tiêu chí “Quận (thị xã, thành phố) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là một nội dung thành phần của tiêu chí Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị trong đánh giá, xét công nhận quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.
Hiện nay, nội dung và cách thức đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1723/QĐ-BTP ban hành Hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.
Theo đó, tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 5 chỉ tiêu tương ứng với 100 điểm tập trung vào một số nhiệm vụ thuộc chức năng, trách nhiệm của chính quyền huyện trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; triển khai công tác tiếp cận thông tin; phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Cụ thể như sau:
- Ban hành các văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành pháp luật trên địa bàn.
- Công khai, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, đúng quy định pháp luật về tiếp cận thông tin.
- Ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm đúng quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật và hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
- Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.
- Tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định pháp luật về giải quyết thủ tục hành chính.
Nội dung, cách tính điểm, tài liệu đánh giá của từng chỉ tiêu được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 1723/QĐ-BTP kế đảm bảo gọn nhẹ, định lượng, phù hợp, khả thi.
Điều kiện công nhận cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:
Điều kiện công nhận cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được xác định dựa trên kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của các đơn vị cấp xã trên địa bàn và kết quả thực hiện nội dung tiêu chí thuộc trách nhiệm của cấp huyện. Đồng thời, tương thích với điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn đô thi văn minh cũng như xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, cấp huyện được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng đủ 4 điều kiện:
- Có 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
- Tổng số điểm của các chỉ tiêu đạt từ 90 điểm trở lên.
- Tổng số điểm của từng chỉ tiêu đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên.
- Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về cách thức đánh giá: Số liệu phục vụ chấm điểm tiêu chí cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới nâng cao tính từ ngày 1/1 đến ngày 31/12 của năm trước liền kề năm đánh giá.
Trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao được thực hiện thống nhất trong quy trình chung về đánh giá địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao (đối với huyện, xã) và quy trình về đánh giá đạt chuẩn đô thị văn minh (đối với quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh) theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg mà không thiết kế thành quy trình riêng nhằm giảm thiểu công việc, không tạo áp lực, phù hợp với điều kiện tinh gọn bộ máy tổ chức, biên chế và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, từ đầu năm, Hội đồng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện nhiệm vụ công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, kết nối tới 100% đơn vị thuộc 3 cấp chính quyền Thành phố: cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã, với trên 12.000 người tham dự. Qua tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, đến nay có 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành thủ tục công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 557/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,2%. Trong đó, nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100% như: Long Biên, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Quốc Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Phúc Thọ. |
Phường Văn Miếu: Chú trọng cải thiện điều kiện tiếp cận pháp luật của người dân Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu hụt về đội ngũ nhân sự cũng như ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm ... |
Bài cuối: Xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đóng vai trò rất quan trọng Ông Bùi Huy Quang, Chủ tịch UBND phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) khẳng định, việc tổ chức đánh giá, công nhận và ... |
Hà Nội duy trì xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 2623/ UBND-NC về triển khai thực hiện một số nội dung của Chương trình ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại