Phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênVành đai 4-Vùng Thủ đô thúc đẩy phát triển liên vùng. Ảnh: Nguyễn Minh. |
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Hoàng Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và TS. Nguyễn Cao Lãnh, TS. Đặng Hoàng Mai, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Trong đó, có quy định về vai trò và thẩm quyền của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô; quy định về nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong Vùng Thủ đô và lĩnh vực phối hợp của Vùng Thủ đô (phối hợp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, trong đó ưu tiên 10 lĩnh vực trọng tâm là quy hoạch xây dựng; bảo tồn, phát triển văn hoá, lịch sử, du lịch; y tế, giáo dục; khoa học công nghệ; môi trường; đất đai; nhà ở; hạ tầng kỹ thuật; giao thông vận tải; xây dựng đô thị thông minh).
Do vậy, trong 10 lĩnh vực trọng tâm, cần bổ sung thêm 2 nội dung: Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính hai nội dung này mới làm rõ vai trò tiên phong, chủ đạo, hình mẫu của Thủ đô hiện đại trong Vùng Thủ đô cũng như vai trò khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước. Đồng thời, quy định phân quyền cho UBND thành phố Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới; kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, Thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.
Ngoài ra, việc phát triển và quản lý Thủ đô theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với cơ chế hợp tác công tư (PPP) hiệu quả và quản lý chuỗi cung ứng đô thị trên cơ sở quy hoạch vùng đô thị nên được gắn kết với nhau khi hoạch định chiến lược phát triển Thủ đô và cần được thể hiện xuyên suốt, mạch lạc trong các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi).
PGS.TS. Hoàng Tùng cho rằng, Luật Thủ đô cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể gắn kết giữa quy hoạch Vùng Thủ đô và vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế, cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị nhằm giải bài toán về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng cuộc sống… ở các đô thị lớn hiện nay, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Nhiều nghiên cứu được công bố đã tổng kết việc thiết kế quy hoạch đô thị dựa trên nguyên lý TOD đã làm hồi sinh năng lượng và giá trị sống cho dân cư ở khu trung tâm, mặt khác vẫn thúc đẩy phát triển các vùng lân cận.
Mặt khác, để thiết kế đô thị theo mô hình TOD thì cần phải đẩy mạnh phương thức đối tác công tư nhằm huy động có hiệu quả nguồn lực tư nhân vào phát triển đô thị. Các nghiên cứu được công bố cũng cho thấy với TOD, các mô hình PPP tạo ra công trình mới hay vận hành khai thác công trình hiện hữu đều rất hiệu quả. Chúng ta đã ban hành Luật PPP nhưng trong quy định của Luật Thủ đô nên đưa ra một cơ chế hiệu quả và chi tiết hơn để thúc đẩy phát triển PPP cho Thủ đô.
Nhiều tác giả nghiên cứu đã khẳng định ba yếu tố dẫn đến thành công cho việc phát triển đô thị theo nguyên lý TOD là khung pháp lý, cơ chế tài chính và thoả thuận đối tác công – tư. Bên cạnh đó, với mô hình đô thị theo nguyên lý TOD thì việc quản lý theo chuỗi cung ứng cũng hết sức quan trọng vì nó giúp tối ưu hoá hoạt động cung ứng trong khu vực đô thị. Việc xây dựng các chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực của quản lý đô thị từ chính phủ điện tử đến tài chính, giáo dục, y tế, văn hoá, du lịch sẽ giúp Thủ đô sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và xa hơn là trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Theo PGS.TS. Hoàng Tùng, quá trình đổi mới sáng tạo luôn gắn với đổi mới nhận thức: Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện trước hết là sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển. Luật Thủ đô (sửa đổi) giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, tiếp đó là các vấn đề liên quan đến quy hoạch xây dựng tổ chức không gian chức năng, kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại