Nghĩa tình đồng đội giữa thời bình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Kiều Văn Uỵch “nhân chứng sống” nhà tù Phú Quốc giới thiệu hiện vật, tư liệu quý tại Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày. Ảnh Mộc Miên |
Cách Thủ đô Hà Nội chừng 30km, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) luôn là “địa chỉ đỏ” giữ lửa truyền thống cách mạng. Trong không gian hương trầm lan tỏa, dường như mỗi một thước đất là một linh hồn ở đó…
Bởi thế không lạ khi thời điểm giới thiệu về Bảo tàng, ông Kiều Văn Uỵch nhắn gửi hai câu thơ: “Xin quý khách nhẹ chân một chút, Ở trong này có hồn của bạn tôi”. Điều này khiến mỗi du khách rưng rưng, xúc động khi chứng kiến hình ảnh tái hiện chân thực “địa ngục trần gian” với những đòn tra tấn dã man khu biệt giam của nhà tù Côn Đảo.
Vừa là hướng dẫn viên Bảo tàng, ông Kiều Văn Uỵch cũng là một “nhân chứng sống” những năm tháng khốc liệt của nhà tù Phú Quốc. Năm 1969, ông Kiều Văn Uỵch nhận nhiệm vụ làm cỗ hàng rào chống địch và bị bắt, chịu cảnh giam giữ trong chuồng cọp dưới cái nắng gay gắt của nhà tù Phú Quốc mấy ngày liền. Mỗi ngày chỉ được ăn 1 bát cơm, nhiều ngày không được dọn vệ sinh, tắm rửa,… Ông cũng là hình tượng trong “Bài ca bất tử” thuộc trường ca “Một thời để nhớ” thay lưng bạn chịu đòn.
Với ông Kiều Văn Uỵch, mỗi hiện vật, kỷ vật được trưng bày, lưu trữ tại bảo tàng hiện nay tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng trong đó những kí ức, câu chuyện sống động, bi hùng về những ngày tháng tù đày gian khổ nhưng kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.
Riêng với người cựu binh Lâm Văn Bảng (GĐ Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày), những ngày bị giam cầm ở trại biệt giam phân khu B2, nhà tù Phú Quốc, ông từng bị đánh đập tàn bạo. Ông Bảng nói rằng, nếu không có đồng đội, ông không sống được đến bây giờ. Ngày ấy, chứng kiến đồng đội hi sinh nơi trạm biệt giam, những thân gầy xác ve, lê lết từ nhà điều hành sau khi bị đánh. Người này dìu người kia… những ký ức đó nó cứ trăn trở, ám ảnh ông mãi.
Cuối cùng, ông Bảng quyết định lập Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày để tri ân anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong các nhà tù địch thế kỷ 20, là bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh của kẻ địch, thể hiện lòng kiên trung bất khuất, khí tiết của chiến sĩ với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Đồng thời là mái nhà chung giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau. Dịp tháng 7 hàng năm, hơn 4.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh được sưu tầm tại Bảo tàng đón chào hàng nghìn lượt du khách tham quan, tri ân tưởng nhớ.
Bên cạnh việc giới thiệu với du khách về cuộc chiến tranh tàn khốc, Bảo tàng còn duy trì nhiều hoạt động ý nghĩa. Những buổi giao lưu tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ huyện Phú Xuyên và các cấp học tại TP Hà Nội. Những chuyến đi trưng bày hiện vật khắp cả nước truyền ngọn lửa lòng yêu nước để lứa tuổi học sinh, sinh viên hình dung lại quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc mà không một sách vở, cuốn sách nào có thể thay thế được.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại