Thứ sáu 26/04/2024 11:43

Nghĩa tình đồng đội giữa thời bình

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức một thời hoa lửa giữa bom đạn ác liệt vẫn khắc khoải trong tâm can người lính Trần Tường Huấn. Nhiều năm qua, ông đã cùng với nhóm “Tìm bạn về” và Ban liên lạc CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) rong ruổi trên hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ, để sau mỗi chuyến đi những tấm bia mộ được trả lại tên, những hài cốt liệt sĩ được trở về đất Mẹ quê hương và thêm một gia đình có niềm vui đoàn tụ.
Ở tuổi 68, Đại tá Trần Tường Huấn vẫn rong ruổi cuộc hành trình tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ
Ở tuổi 68, Đại tá Trần Tường Huấn vẫn rong ruổi cuộc hành trình tìm kiếm và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ

Hành trình của những bước chân không mỏi

Những ngày tháng 10, tôi có dịp hạnh ngộ với Đại tá Trần Tường Huấn tại Hà Nội khi ông và Ban liên lạc CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) vừa có chuyến công tác tại Hà Nam để xác nhận thông tin thân nhân liệt sĩ.

Ở tuổi 68, bản thân là thương binh 2/4, mắc căn bệnh tuyến giáp nhiều năm nay nhưng với nghĩa tình đồng đội, ông Huấn không bao giờ nề hà các phần việc khó. Các chuyến đi từ Bắc vào Nam để tìm hài cốt liệt sĩ, từ lúc lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể đến việc khảo sát tìm kiếm nhân chứng, thu thập tài liệu, xác minh thông tin, ông Huấn luôn là người đề xuất ý tưởng, cổ vũ tinh thần các đồng đội với quyết tâm đưa các liệt sĩ trở về quê nhà.

Theo lời kể của ông Trần Tường Huấn, khi chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ông Huấn và nhiều người bạn cùng trang lứa từ ghế nhà trường đã tình nguyện tòng quân ra chiến trận. Trong số những thanh niên người Hà Nội đang ở độ tuổi học sinh tham gia chiến đấu, có nhiều người mãi không trở về.

Từ cuộc gặp mặt kỷ niệm của cựu học sinh lớp G trường cấp 3 Chu Văn An, Hà Nội (niên khóa 1970-1973) năm 2016, ý tưởng về việc tìm kiếm hai bạn học là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng được các thành viên trong lớp đồng lòng.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Hà Nội có một nhóm “Tìm bạn về” được thành lập để tìm người bạn đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Tháng 4/2016, nhóm “Tìm bạn về” đến xin phép và nhận ủy quyền từ hai gia đình liệt sĩ Đặng Trần Cảnh và liệt sĩ Vũ Duy Hùng.

Trong quá trình tìm kiếm, được sự giúp đỡ của các tổ chức và cá nhân, đặc biệt Phòng chính sách, Cục Chính trị, Quân khu 9 đã xác định phiên hiệu, nơi chôn cất ban đầu liệt sĩ Đặng Trần Cảnh thuộc đơn vị D6/E20/F4, hi sinh ngày 18/8/1973 tại xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang; hài cốt đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kiên Giang, với tấm bia mộ “Liệt sĩ chưa biết tên”. Trong hơn 100 hài cốt liệt sĩ được giám định mẫu ADN xác định danh tính liệt sĩ, ngày 10/10/2016, kết quả giám định của Viện Pháp y kết luận mẫu hài cốt liệt sĩ lấy tại mộ số 1, hàng 6, khu A, ô 3 là liệt sĩ Đặng Trần Cảnh.

Khác với trường hợp của liệt sĩ Cảnh, thông tin của liệt sĩ Vũ Duy Hùng xác định đơn vị là Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, hi sinh ngày 25/11/1972 tại chiến trường Quảng Trị. Tuy nhiên, không xác định được nơi chôn cất.

Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và người dân, nhóm may mắn tìm được manh mối về hài cốt của hai “Liệt sĩ chưa biết tên” đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng từ năm 1998. Vị trí hai liệt sĩ có nơi chôn cất ban đầu ngay tại trận địa nơi liệt sĩ Hùng hy sinh. Sau khi phân tích, giám định ADN hài cốt liệt sĩ. Ngày 20/11/2017, kết quả từ Viện Pháp y kết luận hài cốt được an táng vị trí ngôi mộ số 1.743 tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hải Lăng được xác định danh tính là liệt sĩ Vũ Duy Hùng.

Hơn 2 năm (từ tháng 4/2016 đến tháng 11/2017), nhóm “Tìm bạn về” đã hoàn thành tâm nguyện tìm được hài cốt hai người bạn học thất lạc sau hơn 45 năm xa quê. Hành trình của những bước chân không mỏi ấy đã đem lại nguồn sống cho thân nhân gia đình liệt sĩ, nhân lên nghĩa cử cao đẹp về tình đồng chí, tình đồng đội, tình bạn giữa thời bình.

Tiếp lửa truyền thống anh bộ đội cụ Hồ

Không chỉ là thành viên tích cực nhóm “Tìm bạn về”, ông Trần Tường Huấn tham gia sinh hoạt với vai trò Phó Ban liên lạc CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) trong tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ tháng 12/2017-3/2019, hỗ trợ gia đình liệt sĩ Đặng Văn Chanh D309, E1, Quân khu 9 tìm phần mộ.

Từ 4/2019 đến tháng 10/2022, ông Huấn trực tiếp cùng Ban liên lạc CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) tổ chức khảo sát thực địa nơi diễn ra các trận đánh của Trung đoàn 1, lập danh sách liệt sĩ 3 trận đánh (Duyên Hải, Vĩnh Xuân, Ba Càng) là 134 liệt sĩ. Do hoàn cảnh khách quan, hiện Ban liên lạc mới kết nối được 81 thân nhân liệt sĩ.

Sắp tới, Ban liên lạc CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) đề nghị mở rộng lô (cụm mộ) lấy mẫu hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tam Bình và huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Nỗ lực tìm kiếm thân nhân liệt sĩ để lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN tìm danh tính liệt sĩ (đặc biệt 230 liệt sĩ Trung đoàn 1, phần mộ chưa có thông tin ở Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ngã Bảy, Phùng Hiệp, tỉnh Hậu Giang).

Bên cạnh hoạt động tìm kiếm, xác định danh tính, phần mộ liệt sĩ, Ban liên lạc CCB Trung đoàn 1, Quân khu 9 (khu vực Hà Nội) tổ chức nhiều đợt thăm viếng chiến trường xưa, kết nối thân nhân liệt sĩ, vận động quyên góp tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ, CCB khó khăn.

Chia sẻ về hành trình tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ ở các phần mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin, ông Huấn cho biết, đó là công việc rất khó, phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc. Hầu hết các CCB phải tự bỏ tiền túi với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng để tham gia chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ trải dài khắp mọi miền Tổ quốc.

Với nhiều thành tích tiêu biểu, ông Huấn đạt danh hiệu “Người tốt, Việc tốt” do UBND TP Hà Nội trao tặng năm 2020; Bằng khen Hội Cựu chiến binh Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền vận động, cung cấp thông tin, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2013-2020. Tháng 10/2022, ông Huấn vinh dự là đại biểu trong Hội nghị Tổng kết 30 năm phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” quận Ba Đình.
Nghĩa tình đồng đội giữa thời bình
Chương trình nghệ thuật “Ơn nghĩa sinh thành” 2022: Tuổi trẻ ngợi ca công ơn cha mẹ, tình yêu nguồn cội
Tìm thấy ý nghĩa tuổi thanh xuân từ hoạt động tình nguyện
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động