Mua bán đất lập vi bằng chỉ xác nhận có giao dịch trên thực tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa |
Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do thừa phát lại (TPL) trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
Trong tài liệu đó, TPL sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân TPL chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Trong trường hợp cần thiết, TPL có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng. Vi bằng không thừa nhận, hay đánh giá tính hợp pháp của các hành vi, sự kiện, quan hệ xã hội mà chỉ có giá trị là bằng chứng ghi nhận sự kiện, hoạt động đó xảy ra trên thực tế mà không ghi nhận tính hợp pháp của sự kiện, hoạt động đó nên không chứng minh được giá trị pháp lý của của các sự kiện, sự vật đó…
Theo Điều 36 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, TAND, VKSND có thể triệu tập TPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. TPL, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được TAND, VKSND triệu tập. Điều trên có nghĩa, vi bằng chỉ có giá trị bằng chứng là một chứng cứ công nhận có việc mua bán, giao nhận tiền nhà chứ không phải là một thủ tục hành chính để đảm bảo giá trị tài sản.
Việc lập vi bằng được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục do Nhà nước quy định sẽ xác nhận giao dịch của các bên tại thời điểm lập và được coi là chứng cứ tại Tòa án nếu có tranh chấp xảy ra. Như vậy, vi bằng chỉ có giá trị chứng cứ và được Tòa án ghi nhận. Vi bằng chỉ xác nhận có giao dịch xảy ra trên thực tế và là bằng chứng để giải quyết khi có tranh chấp mà không có giá trị pháp lý. Vì thế, vi bằng không làm được “sổ đỏ” hay nói cách khác là không được làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Để làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các bên cần có Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản theo quy định.
Các bên khi có nhu cầu lập vi bằng mua bán đất có thể đến các Văn phòng TPL ở Hà Nội để thực hiện thủ tục này theo trình tự. Khách hàng đến các văn phòng TPL và được tư vấn về một số quy định của pháp luật liên quan đến vi bằng mua đất. Khách hàng điền nội dung yêu cầu lập vi bằng vào phiếu yêu cầu lập vi bằng (theo mẫu). Thư ký nghiệp vụ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp của nội dung yêu cầu lập vi bằng và trình TPL quyết định. Nếu yêu cầu của bạn không thuộc các trường hợp không được lập vi bằng thì sẽ được tiếp tục điền vào mẫu cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến việc lập vi bằng.
Sau đó, khách hàng và Văn phòng TPL sẽ tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ với một số nội dung cơ bản như: Nội dung cần lập vi bằng, thời gian, địa điểm lập vi bằng, chi phí lập vi bằng, điều khoản chấm dứt hoặc tạm dừng thực hiện hợp đồng. Khi lập vi bằng, TPL trực tiếp chứng kiến sự kiện, hành vi được yêu cầu lập vi bằng cũng như thực hiện các hoạt động như đo đạc, quay phim, chụp ảnh….
Để thể hiện tính khách quan, trung thực trong vi bằng mua bán đất. Vi bằng được đóng số theo thứ tự thời gian, ghi vào sổ theo dõi vi bằng và được lập thành 03 bản chính, bên TPL và bên yêu cầu mỗi người giữ một bản, một bản được gửi cho Sở Tư pháp để thực hiện thủ tục đăng ký vi bằng. Thời gian cho thủ tục lập vi bằng mua bán đất thường không mất nhiều thời gian, các bên có thể nhận được vi bằng trong ngày.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại