Kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác Thừa phát lại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Quách Sỹ Hiển chia sẻ các kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác Thừa phát lại. Ảnh: Khánh Huy. |
Theo ông Quách Sỹ Hiển - Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Thăng Long - Hà Nội, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại gồm Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn. Trong đó, Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chủ trương, nguyên tắc, còn tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ.
Vì vậy, quá trình thực hiện đã gặp không ít vướng mắc về áp dụng pháp luật, đặc biệt khi có xung đột với các quy định pháp luật có liên quan. Ông Quách Sỹ Hiển cho rằng, để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động Thừa phát lại, nên xem xét một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng luật về Thừa phát lại. Bởi lẽ, một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động của Thừa phát lại gặp khá nhiều khó khăn là do các quy định của pháp luật về Thừa phát lại hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ và hoàn thiện. Bởi chúng ta vẫn chưa xây dựng luật riêng về Thừa phát lại.
Các hoạt động của Thừa phát lại đang chịu sự điều chỉnh của các văn bản dưới luật nên chưa thực sự có hiệu lực mạnh mẽ. Do đó, cần phải có luật về Thừa phát lại để củng cố và khẳng định rõ địa vị pháp lý của chủ thể này. Mặt khác, điều này còn góp phần tạo dựng sự tin tưởng cho khách hàng khi có nhu cầu lựa chọn các dịch vụ pháp lý liên quan đến Thừa phát lại.
Thứ hai, vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực và vi bằng của Thừa phát lại chỉ ghi nhận sự kiện, hành vi nhất định, trong đó có việc các bên tham gia ký kết, xác nhận một nội dung nhất định. Việc xác định mọi hành vi ký kết văn bản đều phải công chứng, chứng thực mà không được lập vi bằng là bó hẹp phạm vi lập vi bằng, hạn chế quyền được yêu cầu lập vi bằng để làm chứng cứ của người dân.
Ông Quách Sỹ Hiển cho rằng, nên có hướng dẫn xác định cụ thể phạm vi lập vi bằng theo hướng Thừa phát lại được phép lập vi bằng những sự kiện, hành vi bao gồm cả việc ghi nhận việc ký kết văn bản, nếu nội dung đó không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Thứ ba, hiện nay, Thừa phát lại được quyền hoạt động trong 4 nhóm nhiệm vụ: Tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, nếu so sánh với phạm vi hoạt động của Thừa phát lại trong thời kỳ trước tại Việt Nam thì phạm vi hoạt động của Thừa phát lại trước đây rất mở rộng. Điều này tạo nhiều thuận tiện và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho Thừa phát lại.
Còn nếu tìm hiểu trên phạm vi quốc tế, so với Thừa phát lại ở các nước trên thế giới, Thừa phát lại ở Việt Nam có phạm vi hoạt động bó hẹp hơn. Từ đó, ông Quách Sỹ Hiển cho rằng, trước sự phát triển ngày càng đa dạng của các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại và ảnh hưởng từ xu thế hội nhập quốc tế thì cần thiết phải mở rộng phạm vi hoạt động và quyền hạn của Thừa phát lại. Thừa phát lại phải được thực hiện nhiều công việc mà xã hội đang rất cần.
Ngoài ra, để hoạt động Thừa phát lại có hiệu quả, thì cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho Thừa phát lại, cho đội ngũ chuẩn bị tham gia làm Thừa phát lại và thư ký nghiệp vụ. Thời gian đào tạo, tập huấn cần tăng hơn so với trước.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được tăng cường dưới nhiều hình thức và thường xuyên, liên tục để cộng đồng dân cư trong xã hội hiểu biết nhiều hơn về chế định Thừa phát lại và từ đó có sự lựa chọn dịch vụ lập vi bằng, góp phần hạn chế tranh chấp và tạo chứng cứ khi giải quyết các tranh chấp.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Thừa phát lại Với mong muốn bạn đọc có cái nhìn tổng quát về công tác Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội Hà Nội, vừa ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại