Thứ năm 25/04/2024 19:12

Lập vi bằng ghi nhận việc giao tiền, tài sản, giấy tờ có giá

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thừa phát lại ghi nhận lại sự kiện, hành vi các bên tiến hành giao nhận tiền, nhà, đất, tài sản khác nhằm thực hiện một thỏa thuận, văn bản, cam kết do các bên tự lập. Cùng với việc giao nhận tiền, nhà đất, tài sản các bên có thể xác lập biên bản, thỏa thuận…
Bà Nguyễn Thị Quyên lập vi bằng cho khách hàng
Bà Nguyễn Thị Quyên lập vi bằng cho khách hàng

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyên, Thừa phát lại thuộc Văn phòng Thừa phát lại (TPL) Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, dạng vi bằng ghi nhận việc giao tiền, tài sản, giấy tờ có giá gồm 4 dạng cụ thể: Giao nhận tiền gồm tiền mặt hoặc chuyển khoản; Giao nhận vàng, kim khí quý, đá quý; Giao nhận giấy tờ có giá (cổ phiếu, kỳ phiếu, hối phiếu…); Giao nhận nhà, đất.

Về vi bằng giao nhận tiền, TPL sẽ ghi nhận việc các bên giao cho nhau một số tiền cụ thể. Các bên sẽ trình bày việc giao nhận tiền nói trên là nhằm để thực hiện cam kết, thỏa thuận nào đó mà các bên đã xác lập hoặc thực hiện việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì TPL sẽ ghi nhận nội dung này vào vi bằng.

Thời điểm lập vi bằng, các bên sẽ giao nhận bằng tiền mặt, TPL sẽ ghi nhận hai bên xác nhận với nhau đã nhận bao nhiêu tiền hoặc ghi nhận hai bên chuyển khoản như chuyển khoản trực tiếp tại ngân hàng, chuyển khoản qua điện thoại (Internet Baking), qua ví điện tử,... từ trên điện thoại. TPL cần ghi rõ cách thức chuyển khoản, số tiền được thể hiện trong chuyển khoản, đối chiếu giữa bên gửi và bên nhận.

Ví dụ, trường hợp của ông Nguyễn Văn A và bà Đặng Thị B cùng nhau thỏa thuận về việc hai bên góp tiền mua máy móc sản xuất khẩu trang. Ông Nguyễn Văn A có trách nhiệm chuyển cho bà Đặng Thị B số tiền là 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng) qua chuyển khoản trên điện thoại. Ông Nguyễn Văn A yêu cầu TPL lập vi bằng ghi nhận sự việc nêu trên?

Sau khi tiếp nhận yêu cầu và thỏa thuận mức phí, TPL tiến hành lập vi bằng ghi nhận việc ông Nguyễn Văn A chuyển tiền cho bà Đặng Thị B. Trong nội dung vi bằng ghi rõ số tiền được chuyển khoản, dịch vụ chuyển khoản qua điện thoại, số tài khoản, tên Ngân hàng chuyển tiền đi và nhận, chuyển khoản bằng cách thức nào trên điện thoại, thời gian chuyển tiền đi và thời gian nhận được tiền. Ngoài ra, TPL nên ghi nhận lời khẳng định của các bên về việc đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận.

Với việc lập vi bằng giao nhận vàng, kim khí quý, đá quý, TPL không thể biết được tài sản giao nhận có phải là vàng, kim khí quý, đá quý hay không nên quá trình ghi nhận TPL cần chú ý sử dụng từ ngữ khách quan.

Ví dụ, TPL ghi nhận sự kiện các bên giao cho nhau một số kim loại màu vàng, hoặc trường hợp kim loại này được bọc trong bao bì của Cty vàng bạc đá quý thì TPL sẽ mô tả cụ thể bao bì vào trong vi bằng. Giống như lập vi bằng giao nhận tiền, TPL cũng không trực tiếp kiểm đếm vàng, kim khí quý, đá quý mà để các bên tự kiểm đếm và tự xác nhận với nhau đã nhận bao nhiêu vàng, kim khí quý, đá quý. Nếu các bên lập biên bản về việc giao nhận thì biên bản này sẽ là tài liệu đính kèm cùng vi bằng.

Về việc giao nhận giấy tờ có giá, theo quy định tại điểm 8, Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 thì giấy tờ có giá là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”.

Ví dụ như: cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, các loại chứng khoán... Khi lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận những loại giấy tờ có giá thì TPL phải lưu ý liệt kê tiêu đề cụ thể của giấy tờ đó, ngày phát hành, nơi phát hành, ghi rõ là bản gốc hay bản sao...

Việc lập vi bằng giao nhận nhà đất, TPL cần đề nghị người yêu cầu cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà được giao; tìm hiểu rõ mục đích, lý do của việc giao nhận giúp công tác chuẩn bị lập vi bằng được hiệu quả. Trong phần nội dung lập vi bằng, TPL cần ghi rõ mục đích giao nhận, cách thức giao nhận… Cùng với việc giao nhận nhà đất, các bên có thể xác lập biên bản giao nhận nhà đất, mô tả hiện trạng nhà đất, kiểm kê những tài sản đi kèm.

Vi bằng và những vấn đề cần lưu ý
Lập vi bằng cử người đại diện trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Lập vi bằng ghi nhận việc giao thông báo theo yêu cầu
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động