Thừa phát lại mang lại niềm tin cho khách hàng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Việt Hưng. Ảnh: Công Phương |
Trao đổi với PV, ông Phạm Anh Dũng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Việt Hưng cho biết, Nghị định số 08/2020, Chính phủ đã ký ban hành giao quyền cho thừa phát lại tổ chức thực hiện và tác nghiệp 4 công việc như: tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của các cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, viện kiểm sát; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của bên được thi hành án.
Hà Nội là một trong 13 địa phương được chọn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội. Theo đó, từ tháng 2/2014 UBND TP Hà Nội đã có Quyết định cho phép thành lập 5 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP là các văn phòng: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân. Đến nay, số lượng văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Hà Nội lên đến con số 38.
Thừa phát lại ra đời đã và đang củng cố, mang lại niềm tin cho khách hàng, với mục đích giảm tải cho cơ quan thi hành án dân sự, tòa án, viện kiểm sát để các thẩm phán, điều tra viên, thư ký, chấp hành viên, thư ký tập trung vào việc chính, hoàn tất các thủ tục tố tụng, cáo trạng đảm bảo chính xác, đúng người đúng tội. Tập trung thi hành các bản án thu ngân sách với số tiền lớn.
Công tác Thừa phát lại ngày càng khẳng định địa vị pháp lý cũng như vai trò trong hoạt động tư pháp và xã hội hóa thi hành án dân sự. Đồng thời, góp phần thúc đẩy ổn định, trật tự trong giao lưu dân sự, kinh tế thông qua hoạt động lập vi bằng, tạo lập chứng cứ giúp chủ động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cho hoạt động xét xử của tòa án; đồng thời, xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại cho thấy những thông tin về điều kiện thi hành án của đương sự do Thừa phát lại cung cấp đã giúp bảo vệ kịp thời lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, giúp cơ quan thi hành án có thêm cơ sở đưa ra các phương thức tổ chức thi hành án phù hợp.
Thừa phát lại còn góp phần xây dựng và tạo ra môi trường hành lang pháp lý rõ ràng và đảm bảo cho các giao dịch dân sự, kinh tế được thực hiện theo đúng pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Anh Dũng, mặc dù được Nhà nước giao cho thực hiện 4 công việc nêu trên nhưng đến thời điểm hiện tại, các Văn phòng Thừa phát lại ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu thực hiện lập vi bằng, một số ít văn phòng thực hiện tống đạt. Trong báo cáo chủ yếu về lập vi bằng, tống đạt nhưng xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án hầu như không có.
"Nghị định 08/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, quy định chức năng nhiệm vụ của Thừa phát lại cũng hạn chế. Do đó, tôi kiến nghị đề xuất mở rộng công việc cho Thừa phát lại, tiến tới sửa Nghị định hoặc xây dựng Luật Thừa phát lại", ông Phạm Anh Dũng chia sẻ.
Ông Phạm Anh Dũng đề xuất thời gian tới các cơ quan chức năng nên giao cho Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại thực hiện như Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và Nghị định 135/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định 61 thời kỳ thí điểm chế định Thừa phát lại. Từ đó, để người dân, tổ chức, tổ chức xã hội có quyền lựa chọn và thực sự giảm tải công việc cho cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan tố tụng khác.
Cần trao nhiều công việc cho thừa phát lại hơn nữa Mặc dù được Nhà nước giao cho thực hiện 4 công việc nhưng đến thời điểm hiện tại, các văn phòng thừa phát lại ở ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại