Lập vi bằng giao dịch mua bất động sản đang thế chấp ở ngân hàng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBà Quyên cho rằng với những trường hợp mua bất động sản đang thế chấp tại ngân hàng thì cần lập vi bằng để ghi nhận lại sự giao kết, thỏa thuận của các bên. |
Vai trò của vi bằng trong cuộc sống
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng văn phòng thừa phát lại Hai Bà Trưng cho biết, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của khách hàng; vi bằng là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật, là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án Nhân dân, Viện kiểm sát Nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát Nhân dân triệu tập.
Tại điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP quy định về thủ tục lập vi bằng Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.
Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.
Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.
Còn tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 08, Chính phủ quy định vi bằng được lập bằng tiếng Việt, gồm các nội dung sau: Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại cùng họ, tên của Thừa phát lại - người lập vi bằng; Địa điểm, thời gian lập vi bằng; Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng hoặc người khác nếu có;
Nội dung của vi bằng: Hành vi, sự kiện có thật được ghi lại và nội dung cụ thể của hành vi, sự kiện này; Lời cam đoan về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng của Thừa phát lại; Chữ ký của Thừa phát lại, dấu của Văn phòng thừa phát lại cùng chữ ký/điểm chỉ của người yêu cầu…
Trong văn bản vi bằng, nếu có từ hai trang trở lên thì phải đánh số thứ tự cho từng trang, có từ hai tờ trở lên thì phải đóng giáp lai. Kèm theo vi bằng có thể có các tài liệu chứng minh.
Đặc biệt, vi bằng phải được Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến và lập cũng như Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập.
Vi bằng giúp bảo vệ người dân, phòng ngừa tranh chấp
Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng văn phòng thừa phát lại Hai Bà Trưng, có rất nhiều dạng vi bằng khác nhau, mỗi một vụ việc thì Thừa phát lại đều phải nhận biết thuộc dạng vi bằng nào. Vi bằng giúp bảo vệ người dân, ghi lại những thỏa thuận với nhau, phòng ngừa tranh chấp về sau, người dân, tổ chức xã hội đều cần đến vi bằng.
Trong cuộc sống hiện nay, nhiều người đã gặp trường hợp người bán bất động sản đang thế chấp tài sản tại ngân hàng và người mua phải đặt cọc trước một số tiền nhất định đủ để người bán giải chấp tại ngân hàng rồi mới tiến hành mua bán bất động sản. Tuy nhiên, người mua rất lo lắng vì nếu đưa người bán một số tiền để người này giải chấp xong lại đổi ý không bán bất động sản đó hoặc bán cho người khác với giá cao hơn.
Lúc này, người dân cần người làm chứng về việc đảm bảo người mua đã giao tiền và chứng kiến người bán cam kết sau khi giải chấp bất động sản tại ngân hàng sẽ chuyển nhượng cho người mua, tránh rủi ro là bên bán sau khi giải chấp xong lại không có nhu cầu chuyển nhượng nữa.
Thừa phát lại sẽ hỗ trợ được người bán và người mua bằng cách lập 1 vi bằng để ghi nhận lại sự thỏa thuận của các bên, giúp các bên cam kết với nhau và thực hiện theo quy định.
Theo Luật dân sự, pháp luật công nhận quyền thỏa thuận của các bên, nếu không trái pháp luật thì đương nhiên thỏa thuận đó có hiệu lực pháp lý. Tuy nhiên, tại sao lại chọn thừa phát lại vì có các lý do sau: Thứ nhất, trong quá trình thỏa thuận cần có 1 người khách quan, người thứ 3 chứng kiến và ghi nhận lại thỏa thuận của các bên đảm bảo được tính khách quan trung thực.
Thứ hai, khi Thừa phát lại lập vi bằng thì sẽ ghi nhận lại bằng hình ảnh, lời nói, file ghi âm và có tác dụng chứng minh tại thời điểm đó, các bên có sự thỏa thuận thực sự chứ không phải theo cách hai bên thỏa thuận viết tay hoặc không có thỏa thuận trực tiếp cho nên cái việc khách quan trung thực là không có, vi bằng của Thừa phát lại giúp cho việc đó không xảy ra, tránh tranh chấp bên này bên kia chứng minh là hai bên không thực sự thỏa thuận với nhau.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ của thừa phát lại ngày càng cao Hiện nay, các hoạt động của thừa phát lại (TPL) ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến rộng ở nhiều địa phương. Người ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại