Thứ ba 26/11/2024 06:11

Nhu cầu sử dụng dịch vụ của thừa phát lại ngày càng cao

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hiện nay, các hoạt động của thừa phát lại (TPL) ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến rộng ở nhiều địa phương. Người dân cũng phần nào biết đến TPL và nhu cầu sử dụng dịch vụ của TPL ngày càng cao.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ của thừa phát lại ngày càng cao
Bà Quyên tư vấn cho khách hàng khi đến VP TPL Hai Bà Trưng lập vi bằng.

Hành lang pháp lý để TPL hoạt động

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng văn phòng thừa phát lại Hai Bà Trưng cho biết, năm 2009, chế định thừa phát lại (TPL) mới bắt đầu được khôi phục và thực hiện thí điểm theo định hướng xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự trên tinh thần Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14-11-2008 của Quốc hội về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự.

Sau một thời gian, việc thực hiện thí điểm chế định TPL tại thành phố Hồ Chí Minh đạt được hiệu quả cao, mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước cũng như người dân. Nhận thức vai trò quan trọng của TPL, chế định TPL được tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm trên một số tỉnh, thành phố trong cả nước với mục đích đánh giá rõ nét hơn hiệu quả hoạt động của thừa phát lại.

Ngày 01-01-2016, chế định TPL được chính thức thực hiện trong phạm vi cả nước thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH14 ngày 26-11-2015 của Quốc hội về thực hiện chế định TPL được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL ngày 08-01-2020 và Thông tư 05/2020/TT- BTP ngày 28-08-2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định ra đời đã đưa chế định TPL chính thức trở thành một trong bốn ngành bổ trợ trong lĩnh vực Tư pháp để hỗ trợ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trên khắp đất nước.

Những quy định pháp luật nói trên đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động TPL được triển khai thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Cụ thể: Thông qua những quy định pháp luật, TPL ngày càng khẳng định địa vị pháp lý cũng như vai trò trong hoạt động tư pháp và xã hội hóa thi hành án dân sự. Hoạt động của TPL đã góp phần bảo đảm tốt hơn, tối ưu hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, của tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan nhà nước và trong các hoạt động tố tụng.

Các nhiệm vụ TPL thực hiện theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP góp phần giảm thiểu áp lực cho Tòa án, cho cơ quan thi hành án. Trong đó, việc TPL thực hiện tống đạt giấy tờ cho Tòa án, cho cơ quan Thi hành án đã giúp giảm bớt tình trạng án tồn đọng thường xuyên xảy ra trong nhiều năm qua, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác xét xử và Thi hành án, nâng cao vị thế của các cơ quan Tư pháp.

Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án của TPL đã góp phần hỗ trợ cho người dân trong quá trình bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Hoạt động tổ chức Thi hành án dân sự của TPL đã tạo điều kiện cho người dân có quyền được lựa chọn dịch vụ Thi hành án tốt nhất, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân.

Thông qua hoạt động lập vi bằng, TPL còn góp phần xây dựng và tạo ra môi trường hành lang pháp lý rõ ràng và đảm bảo cho các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng được thực hiện theo đúng pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Hoạt động lập vi bằng của TPL đang ngày càng được người dân đón nhận hết sức tích cực vì giúp cho người dân có thêm được một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, các hoạt động tố tụng.

Những khó khăn trong hoạt động TPL

Bà Quyên cho biết thêm, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của TPL còn khá sơ sài, chỉ bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, các hoạt động của TPL ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ biến rộng ở nhiều địa phương. Do đó, trong quá trình triển khai hoạt động đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ của thừa phát lại ngày càng cao
Bà Quyên cho rằng, người dân biết đến TPL nhiều hơn nên nhu cầu ngày càng cao.

Ví dụ như trong lĩnh vực lập vi bằng, quy định của pháp luật thì cho phép vi bằng được sử dụng trong các quan hệ pháp lý khác, tuy nhiên việc quy định không cụ thể là các quan hệ pháp lý nào, cơ quan nào được phép sử dụng vi bằng, dẫn đến TPL gặp khó khăn, lúng túng trong việc tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân sử dụng vị bằng, gây tâm lý e ngại về giá trị của vi bằng.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động lập vi bằng, TPL còn góp phần xây dựng và tạo ra môi trường hành lang pháp lý rõ ràng và đảm bảo cho các giao dịch dân sự, kinh tế, hoạt động tố tụng được thực hiện theo đúng pháp luật, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tuyên truyền để người dân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu biết hơn về pháp luật, đồng thuận, ủng hộ, tin tưởng và sử dụng dịch vụ TPL vẫn còn ít, người dân chưa biết nhiều đến những lợi ích của dịch vụ TPL để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các giao dịch dân sự, kinh tế, các hoạt động tố tụng.

Mặt khác, trong nhiệm vụ trực tiếp tổ chức THA, theo khoản 2 điều 52 Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08-01-2020 quy định về việc TPL không được thực hiện một số nhiệm vụ quyền hạn trong quá trình tổ chức Thi hành án của TPL, trong đó có điều khoản TPL không được sử dụng biện pháp cưỡng chế. Thực tế có thể thấy, để tổ chức Thi hành án thì việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế là một trong thùng công cụ hữu hiệu nhất trong quá trình tổ chức Thi hành án thì TPL không được làm. Quy định trên làm giảm đáng kể quyền hạn của TPL trong khi thực thi nhiệm vụ.

Phần nữa, đội ngũ TPL còn ít trong khi nhu cầu sử dụng dịch vụ của TPL ngày càng cao dẫn đến hiệu quả hoạt động của TPL còn bị hạn chế.

Để TPL làm tốt hơn nữa các cơ quan chức năng cần sớm ban hành Luật thừa phát lại làm cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của TPL. Cần tăng cường công tác kiểm tra giúp TPL hoạt động đúng hành lang pháp luật và cũng cần xây dựng quy hoạch hệ thống văn phòng phù hợp với nhu cầu xã hội tránh phát triển nóng tạo ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.

Bài 1: Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên Bài 1: Thừa phát lại góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên

Thời gian vừa qua, thừa phát lại đã góp phần bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động