Kỳ cuối: Vượt lên trong gian khó
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênKỳ 3: Những “hiệp sĩ” hiến máu cứu người trong cơn cấp bách | |
Kỳ 2: Những chủ nhà trọ - "lá rách ít đùm lá rách nhiều" | |
Kỳ 1: Những Shipper 2+ |
Chỉ còn một ngày nữa thôi, học sinh Thủ đô sẽ bước vào năm học mới. Một năm học báo trước quá nhiều thách thức, mà khó khăn cơ bản đến từ đại dịch Covid-19.
Sẽ là bao lo toan cho năm học mới ở giáo viên, phụ huynh và học sinh, đặc biệt là các em đầu cấp, cuối cấp, trong đó có học sinh lớp 12 sắp kết thúc những năm tháng học tập quan trọng để bước vào chặng đường mới.
Nếu như học sinh lớp lớn đã có kinh nghiệm học trực tuyến hay thông thạo cách sử dụng máy tính, điện thoại thì học sinh lớp 1 lại gặp nhiều khó khăn hơn. Thầy cô, cha mẹ đều lo lắng các em còn quá nhỏ, chưa biết sử dụng công nghệ để học tập; các em còn dễ mất tập trung dẫn đến sao nhãng khi học; nhiều gia đình bố mẹ phải đi làm không có người hướng dẫn, giám sát các em;…
Để phần nào giải tỏa những lo lắng ấy, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo từ ngày 1 đến 12-9-2021, giáo viên chủ nhiệm lớp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung thời gian học tập cụ thể (có thể ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần) để phụ huynh đồng hành cùng học sinh trong giai đoạn làm quen với việc học trực tuyến.
Tình cô trò thắm thiết. Ảnh: Khánh Huy |
Rồi có những gia đình giáo viên cả hai vợ chồng đều phải dạy, các con đều phải học trực tuyến như lời chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu trưởng trường THPT Hoài Đức A (Hoài Đức). Xúc động lắm thay trước lời chia sẻ của thầy: “Nhà trường có gia đình giáo viên gặp khó khăn, 2 vợ chồng làm giáo viên cùng với 2 con đi học, bố mẹ cũng cần dùng máy tính mà con cũng cần máy để học.
Như vậy thì không thể mua 4 cái máy tính được, mà cũng không có chuyện mẹ dạy thì con không học được. Cho nên, chúng tôi cũng tính đến phương án hỗ trợ các thầy cô trong trường hợp khó khăn bằng cách cho mượn một số máy tính xách tay mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tài trợ cho nhà trường hoặc cho mượn máy tính để bàn để các thầy cô có phương tiện dạy học”.
Nỗi buồn nào hơn khi năm học mới đến, có nhiều em học sinh không thể về quê nhà học tập, phải cư trú lại Hà Nội do lệnh giãn cách. Rất may, những lo lắng ấy đã tạm thời được gạt sang một bên bởi ngành Giáo dục Hà Nội chỉ đạo các trường học tạo điều kiện tiếp nhận những học sinh không phải người địa phương nhưng đang cư trú trên địa bàn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà chưa thể về nơi thường trú. Các nhà trường sẽ căn cứ theo lứa tuổi, tiếp nhận, xếp lớp và hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng, thiết bị học tập, bảo đảm để học sinh có thể học tập trực tuyến.
Với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học trực tuyến lại càng khiến cha mẹ, các em trăn trở hơn bởi tiền mua máy tính không hề nhỏ. Như chia sẻ của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh mới đây, Ba Vì là địa bàn xa trung tâm, số lượng trường học lớn, tỷ lệ học sinh hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 5%. Nhiều em học sinh chưa có đủ thiết bị học tập để học trực tuyến.
Để các em có điều kiện học tập tốt nhất, các nhà trường đã phát động phong trào ủng hộ trong phụ huynh học sinh và huy động từ nguồn xã hội hóa. Các trường đã quyên góp được 168 chiếc điện thoại thông minh, 47 máy vi tính, 15 chiếc ti vi… Đặc biệt, nhiều trường học của Ba Vì còn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ các trường học của quận Ba Đình về máy tính, máy chiếu…Thật đáng quý khi chính quận Ba Đình cũng đang phát động chương trình ủng hộ máy tính, điện thoại cũ, mới cho học sinh trên địa bàn quận, cũng đã có những chia sẻ với Ba Vì.
Tại xã Hợp Thanh - xã giáp miền núi, khó khăn nhất của huyện Mỹ Đức, vấn đề lo lắng nhất của thầy cô trường THCS Hợp Thanh là phải làm sao để tạo điều kiện để học sinh học trực tuyến hiệu quả. Trước khó khăn của nhiều học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định tháo dỡ phòng máy 40 bộ máy tính để cho học sinh khó khăn mượn, nhằm giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất. Nhà trường cũng đã cử cán bộ mang máy tính đến tận nhà học sinh để lắp đặt và hướng dẫn sử dụng, bảo quản trong thời gian các em học trực tuyến.
Và đặc biệt, món quà quý cho tất cả học sinh, phụ huynh Thủ đô trong năm học này chính là thành phố Hà Nội thực hiện miễn giảm 50% học phí cả năm học cho học sinh các cấp với tổng nguồn kinh phí 900 tỷ đồng, nhằm chia sẻ khó khăn với gia đình các em giữa mùa dịch.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết đã có 1.706 giáo viên, nhân viên nhận kinh phí hỗ trợ. Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đang tiếp tục rà soát, hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện phong trào "Máy tính cho em", hỗ trợ học sinh về thiết bị học tập trực tuyến để sẵn sàng cho năm học mới.
Năm nay, những cuốn sách giáo khoa cũng đến với các em một cách đặc biệt hơn. Nhiều tình nguyện viên tại Sài Đồng (Long Biên); Thư Phú (Thường Tín); Chương Dương (Hoàn Kiếm),…đã không quản ngại vất vả nắng mưa, dịch bệnh, trở thành những shipper nhiệt tình, nhận nhiệm vụ giao sách cho các em, với mong muốn các em có đủ “người bạn đường” trong cuộc hành trình học tập của mình.
Một nốt trầm khác trước thềm năm học mới chính là những em học sinh là F0, F1 phải đi cách ly khiến cho việc học tập bị ngắt quãng. Trong bức thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắn gửi: “Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều học sinh, sinh viên đã trải qua những tháng ngày hết sức khó khăn do phong tỏa, giãn cách. Việc học trực tuyến còn những hạn chế, bất cập và không đồng bộ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, những gia đình thiếu các điều kiện, phương tiện để học trực tuyến.
Tất cả chúng ta đều rất lo lắng và đồng cảm khi chứng kiến cảnh những F0, F1 là các cháu nhỏ trong độ tuổi đi học, thậm chí là bậc mẫu giáo, những thiếu niên, nhi đồng phải rời gia đình, làng xóm để đi điều trị hoặc cách ly tập trung; do vậy đã bị ngắt quãng việc học.
Chủ tịch nước đề nghị ngành Giáo dục, cùng các ngành, các cấp cần lưu ý, có những hành động tương xứng với tình hình dịch bệnh và có những biện pháp giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực, đặc biệt là nguy cơ một số học sinh, sinh viên bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa. Hơn bao giờ hết, toàn xã hội, cả hệ thống chính trị cần sát cánh hơn nữa, lắng nghe, thấu hiểu và chung tay hành động cùng với ngành Giáo dục vì tương lai của đất nước, vì tương lai con em chúng ta”.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong gian khó, tất cả chúng ta, đặc biệt là các em học sinh đều trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh hơn. Sự vươn lên của các em chính là niềm động lực, hạnh phúc to lớn cho tất cả những ai đã, đang và tiếp tục yêu thương, quan tâm, chăm lo cho các em. Việc chăm lo học tập cho các em ngày hôm nay là sự gửi gắm vào một ngày mai tốt đẹp hơn của Thủ đô và đất nước. Các em sẽ trở thành những chủ nhân tương lai không chỉ tài năng, thành công mà còn có trái tim bao dung, nhân ái như những con người các em gặp ngày hôm nay.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại