Thứ bảy 28/09/2024 17:10
Hà Nội - Những điều giản dị:

Kỳ 3: Những “hiệp sĩ” hiến máu cứu người trong cơn cấp bách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Không chỉ tham gia hiến máu tình nguyện, nhiều người trẻ Hà Nội đã trở thành những tuyên truyền viên tích cực vận động người dân hiến máu, cứu sống được nhiều người trong cơn cấp bách.

Chàng "hiệp sĩ" hơn 50 lần hiến máu tình nguyện

Gắn bó với phong trào hiến máu nhân đạo, chàng trai Đặng Hồng Tùng (SN 1988), quê ở Nguyễn Xá, Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội đã có 50 lần tham gia hiến máu nhân đạo, trở thành nhân vật truyền cảm hứng sống tích cực cho giới trẻ.

Kỳ 3: Những “hiệp sĩ” hiến máu cứu người trong cơn cấp bách
Anh Đặng Hồng Tùng là tấm gương tiêu biểu của Tuổi trẻ Thủ đô trong phong trào hiến máu tình nguyện

Tùng kể, năm 2006, khi mới là sinh viên của ngôi trường Đại học Nông nghiệp 1 (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trong một lần đi qua tấm biển kêu gọi sinh viên hiến máu tình nguyện trong trường, anh lập tức đăng ký hiến máu. Khi ấy, chàng sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào giảng đường Đại học không đắn đo nhiều, chỉ suy nghĩ đơn giản rằng “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, “cho đi là còn mãi”. Trước đó, Tùng đã nghe qua báo đài về ý nghĩa nhân văn của phong trào hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, hồi đó Tùng mới là học sinh cấp 3, chưa đủ điều kiện để tham gia hiến máu nên đợi khi nào lên Đại học sẽ tích cực tham gia hoạt động này.

Sau khi tham gia hiến máu, Tùng cảm thấy rất hạnh phúc vì mình đã làm được việc ý nghĩa, góp phần giúp đỡ các bệnh nhân đang bị thiếu máu. Từ đó, năm nào anh cũng tham gia từ 3-4 lần, khi thì trong đợt kêu gọi của nhà trường, lúc thì đang đi chơi, thấy điểm hiến máu nhân đạo là “chạy” vào đăng ký.

Không chỉ tham gia trực tiếp hiến máu, Tùng còn là một tấm gương tuyên truyền viên tích cực của phong trào hiến máu tình nguyện. Khi là sinh viên, lúc nào anh cũng trăn trở làm sao để truyền cảm hứng cho mọi người về sự ý nghĩa của phòng trào hiến máu. Tuyên truyền thành công mới tác động đến nhận thức của mọi người và giúp họ có động lực tham gia hiến máu. Nghĩ là làm, Tùng cùng với các thành viên trong Đội thanh niên tình nguyện của trường tích cực đến từng khoa, từng lớp, các khu dân cư gần trường, khu công nghiệp,… để lan tỏa những thông điệp tốt đẹp.

Nhờ đó, số lượng sinh viên, người dân, công nhân tham gia hiến máu khu vực ngôi trường của Tùng tăng lên nhanh chóng. Sau đó, anh trở thành hội viên của Hội thanh niên tình nguyện hoạt động hiến máu nhân đạo thành phố Hà Nội, tham gia rất nhiều chương trình truyên truyền hiến máu, góp phần đưa phong trào nhân đạo này đến gần với giới trẻ Thủ đô.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, với công việc bận rộn của bác sĩ thú y, Tùng vẫn tích cực tham gia hiến máu. Có điều, thay vì đến những điểm hiến máu trong trường Đại học như trước đây, Tùng cứ đi đến đâu, gặp chương trình hiến máu là “chạy” đến đăng ký. Được biết nhóm máu của Tùng là nhóm máu hiếm ORH+, có thể cho được nhiều bệnh nhân nên chỉ cần biết thông tin người bệnh nào cần là anh tham gia hiến máu ngay. Bên cạnh đó, Tùng cố gắng vận động anh em, bạn bè, người thân, đồng nghiệp và cả khách hàng tham gia hiến máu. Sau này, chính những người này lại trở thành những tình nguyện viên tích cực trong phong trào hiến máu.

Có lần, do thời gian lần hiến máu gần nhất chưa đảm bảo để Tùng tiếp tục cho máu nên anh đã đứng lên kêu gọi mọi người cùng giúp được bệnh nhân cần máu. Là một đoàn viên trẻ say mê phong trào hiến máu nhân đạo, Tùng chính là tấm gương sáng về tinh thần đoàn kết, yêu thương, sẻ chia với cộng đồng.

Cũng giống như Tùng, chàng trai Đỗ Hồng Sơn, hội viên Chi hội thanh niên vận động hiến máu 8-5 (Hà Nội) đến với phong trào hiến máu tình nguyện khi còn là sinh viên năm đầu và trở thành “hiệp sĩ” hiến máu năng nổ, nhiệt tình, giúp được nhiều người bệnh qua cơn nguy hiểm. 22 tuổi nhưng Sơn đã có 23 lần hiến máu và chắc chắn, con số này sẽ còn gia tăng hơn nữa.

Nhớ lại lần đầu hiến máu, Sơn cũng “sợ” nhưng sau đó, thấy được ý nghĩa của việc hiến máu, nhất là khi hiến 1 đơn vị máu, có thể cứu được 3 người nên Sơn càng tham gia tích cực hơn, còn trở thành tuyên truyền viên tích cực của phong trào hiến máu tại Thủ đô.

Sơn cho biết dịp Tết thường là lúc các Bệnh viện bị khan hiếm máu. Do đó, cậu và các thành viên của Chi hội thanh niên vận động hiến máu 8-5 làm việc tích cực hơn. Tết vừa rồi cũng là đợt dịch Covid-19 thứ 3, Chi hội đã phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tổ chức chương trình "Xuân tình nguyện” thu về khoảng 800 đơn vị máu phục vụ trong dịp này.

Một trong những chương trình hiến máu tình nguyện nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ tại Hà Nội dịp gần đây là "Giọt hồng tri ân" lần thứ 11, với thông điệp "Giãn cách xã hội, xin đừng xa cách trái tim", do Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội phối hợp với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Ban Chỉ đạo vận động Hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội tổ chức. Tính riêng Hội Liên hiệp Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đến 31-7 đã tiếp nhận được 37.017 đơn vị máu.

Vì đồng đội đang gặp nguy

Đầu đợt dịch thứ 4, Thượng úy Vũ Văn Tình, Trưởng Công an xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cùng tổ công tác làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự cho đoàn công tác của UBND xã Hà Lĩnh tiến hành giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường QL217 thì bị người lái máy xúc (tham gia hỗ trợ đoàn công tác) do thiếu quan sát đã lùi máy xúc, đè lên người.

Thượng úy Vũ Văn Tình được đồng đội đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện, rồi chuyển lên Bệnh viện tỉnh trong tình trạng bị đa chấn thương, phải chuyển ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu và tiến hành phẫu thuật. Nhận được thông tin Thượng úy Vũ Văn Tình cần truyền máu gấp, Đại úy Hoàng Anh Trung, Trưởng Công an phường Phan Chu Trinh, Hà Nội và Đại úy Phạm Quốc Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an quận Long Biên đã ngay lập tức có mặt để tham gia hiến máu cho Thượng úy Vũ Văn Tình.

Kỳ 3: Những “hiệp sĩ” hiến máu cứu người trong cơn cấp bách
Đại úy Hoàng Anh Trung, Trưởng Công an phường Phan Chu Trinh, Hà Nội và Đại úy Phạm Quốc Anh, Bí thư Đoàn Thanh niên Công an quận Long Biên hiến máu cho đồng đội

Chị Minh Thúy, vợ của Thượng úy Vũ Văn Tình chia sẻ khi ra Bệnh viện Việt Đức, sức khỏe của chồng chị yếu hơn vì ca phẫu thuật khá phức tạp, dẫn đến việc mất rất nhiều máu. Đang trong lúc cấp bách, nguy hiểm thì nhận được sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, trong đó có Đại úy Hoàng Anh Trung và Đại úy Phạm Quốc Anh ngoài Hà Nội. Chia sẻ ngắn gọn “Vì đồng đội đang gặp nguy” của hai đồng chí khiến vợ chồng chị cảm thấy rất xúc động.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên hai cán bộ công an Hoàng Anh Trung và Quốc Anh hiến máu cứu người mà hai anh còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động “ngân hàng máu sống”.

Sau khi câu chuyện này được chia sẻ, nghĩa cử đẹp đẽ của hai đồng chí Hoàng Anh Trung và Phạm Quốc Anh đã nhận được rất nhiều tình cảm của mọi người, góp phần lan tỏa hình ảnh người chiến sĩ CA vì Nhân dân phục vụ, vì đồng chí, đồng đội.

(Còn nữa…)

Kỳ 1: Những Shipper 2+ Kỳ 1: Những Shipper 2+

Giữa những ngày dịch dã căng thẳng, mọi người phải ở yên trong nhà, nhưng những nhu cầu về sách vở cho học sinh bước ...

Kỳ 2: Những chủ nhà trọ - Kỳ 2: Những chủ nhà trọ - "lá rách ít đùm lá rách nhiều"
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động