Kỳ cuối: Cần sự trách nhiệm, chung tay của mỗi cử tri!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLuật bầu cử qui định, người nào thấy mình đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có nguyện vọng, tâm huyết với hoạt động dân cử thì đều có thể tự ứng cử và việc nhiều người tự ứng cử đang tạo thêm không khí dân chủ trong bầu cử.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, trách nhiệm của người đại biểu rất nặng nề, nên trước khi ứng cử, các ứng viên cần xác định đây không phải là cơ hội để “đánh bóng” tên tuổi, gây sự chú ý… mà cần xác định rõ “mức độ” năng lực, trách nhiệm cũng như nhiệt tình của bản thân khi đảm trách vai trò người đại diện của dân.
Nhiều cử tri cũng cho rằng, để tìm được người có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu của đại biểu không dễ, nên công tác đào tạo, qui hoạch cần “tính trước một bước”. Đồng thời, mỗi cử tri phải thật trách nhiệm, quan tâm, tìm hiểu kỹ về tiêu chuẩn, điều kiện cũng như năng lực, trình độ, phẩm chất… của ứng cử viên để có lựa chọn chính xác.
Cử tri xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ bỏ phiếu bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 |
Trao đổi với báo chí, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho hay, theo dự kiến cơ cấu ĐBQH hiện nay, số lượng người ứng cử nằm trong cơ cấu những người ngoài Đảng với tỷ lệ là 5-10% (từ 25-50 đại biểu). Như vậy, nếu đạt tỉ lệ tối đa thì số lượng người tự ứng cử lên đến 50 đại biểu.
Cũng theo ông Hầu A Lềnh, trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã nêu rất rõ là tất cả mọi công dân Việt Nam đủ điều kiện đều có quyền ứng cử. Về thủ tục, hồ sơ, quy trình dành cho ứng viên được giới thiệu hay tự ứng cử đều như nhau.
Đồng thời, việc thẩm định hồ sơ đối với người tự ứng cử được thực hiện đồng thời với những người được các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử ĐBQH. Quy trình thẩm định về tiêu chuẩn, lý lịch hiện nay, những vấn đề liên quan đến pháp luật nếu có, những ý kiến phản ánh của nhân dân, những vấn đề cần phải làm rõ, xác minh... tất cả đều như nhau.
Theo ứng cử viên ĐBQH khóa XV Hoàng Văn Cường, từ trải nghiệm của bản thân qua một nhiệm kỳ làm đại biểu, ông thấy rằng những tiêu chuẩn, điều kiện theo luật mới là điều kiện cần để làm ĐBQH, còn để thật sự “tròn vai” được thì người đại biểu phải đủ trí tuệ, trình độ, phải có khả năng để khi tiếp xúc, lắng nghe ý kiến cử tri, quan sát những vấn đề của cuộc sống, có thể tổng hợp, khái quát được thành vấn đề chung của quốc gia, của xã hội.
“Từ đó phải chỉ ra được những bất cập xuất phát từ đâu, thuộc trách nhiệm giải quyết của ai và phải làm những gì để giải quyết được những vấn đề cử tri đặt ra. Đó là nội dung để chất vấn, để giám sát, góp ý khi xây dựng luật và là cơ sở để đưa ra các quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước.
Nếu không có đủ trình độ và năng lực tổng hợp, thì ĐBQH chỉ nêu được các vụ việc một cách nhỏ lẻ, vụn vặt, đi nói lại ý kiến của người khác… không đủ khả năng nên ai nói cái gì cũng gật, không đủ trình độ nên ngồi im không biết nói gì”, ông Cường cho hay.
Quốc hội là nơi có môi trường dân chủ, các đại biểu là bình đẳng như nhau, không có tính chất chỉ đạo cấp trên cấp dưới, nên đại biểu Quốc hội phải là người có đủ năng lực và bản lĩnh để thể hiện chứng kiến của mình, phản ánh đúng ý chí nguyên vọng của cử tri, không e ngại bất cứ ràng buộc nào trong quan hệ công tác.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng đoàn công tác của TP Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử |
Để thực sự là người đại diện cho tiếng nói, ý chí, tâm tư nguyện vọng của cử tri thì ĐBQH không chỉ có bản lĩnh mà phải có đủ trình độ để lập luận chất vấn những cơ quan nhà nước, có đủ lý lẽ khoa học để đóng góp các ý tưởng tốt cho phát triển đất nước, đủ lý lẽ để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân.
Cùng với những đóng góp lâu nay thì bản lĩnh, năng lực, trình độ của các ứng cử viên còn thể hiện tập trung ở chương trình hành động. Và tiếp xúc, vận động bầu cử là dịp để các ứng cử viên thể hiện phẩm chất, năng lực và trình độ của mình, cũng là dịp để cử tri “sát hạch” các ứng cử viên.
“Vào Quốc hội làm gì” là một bài viết của ĐBQH khóa XIV Nguyễn Lân Hiếu - một ĐBQH được đánh giá cao về những đóng góp của ông trong nhiệm kỳ vừa qua. Đúng như câu hỏi ông đặt ra, mỗi cử tri sẽ rất mong những ứng cử viên, kể cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều nhận thức rõ trách nhiệm mong muốn trở thành ĐBQH để làm gì?
Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu, bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với đất nước, và để bầu cử thành công, mỗi cử tri đều phải tìm hiểu, chọn lựa kỹ càng và trực tiếp bỏ phiếu.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử lần này, Hội đồng bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia đã được thành lập và kiện toàn từ sớm. Công tác tham mưu, chuẩn bị cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Đáng quan tâm, cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước. Cụ thể, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính. |
Kỳ 2: Chuyện của những người “trong cuộc” Khi được giới thiệu ứng cử, thì cơ quan sẽ lo cho các thủ tục giấy tờ và các bước công việc chuẩn bị, nhưng ... |
Kỳ 1: “Rộng cửa” cho người tự ứng cử Quyền tự ứng cử được ghi nhận trong luật từ rất lâu, nhưng những nhiệm kỳ gần đây, có nhiều người tự ứng cử và ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại