Kỳ 2: Chuyện của những người “trong cuộc”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTự ứng cử vì cử tri động viên
Đây là chia sẻ của GS.TS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường - một trong số 9 ứng cử viên tự ứng cử ĐBQH khóa XIV được đưa vào danh sách chính thức để bầu cử
GS Hoàng Văn Cường cho hay, ngoài điều khác biệt trên thì những khâu khác của quá trình ứng cử giữa ứng cử viên được giới thiệu và tự ứng cử đều giống nhau, vẫn là lấy ý kiến nơi cư trú và nơi công tác. “Khi biết tôi tự ứng cử, nhiều cử tri còn động viên khích lệ, có những bác cao tuổi chia sẻ cảm nhận, đánh giá về quá trình hoạt động của tôi ở nhiệm kỳ khoá XIV và động viên tôi cần tham gia tiếp, khiến tôi càng thấy mình phải có trách nhiệm hơn.
GS.TS, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ĐBQH khóa XIV Hoàng Văn Cường |
Rồi khi đi tiếp xúc, gặp gỡ cử tri, tôi rất xúc động khi có nhiều cử tri nói rằng tôi nên tái cử, nên tiếp tục tham gia đóng góp cho Quốc hội. Nói thật, về cá nhân tôi đã có trải nghiệm được làm đại biểu Quốc hội một nhiệm kỳ, tuổi cũng không còn trẻ, không có mưu cầu gì ngoài mong muốn được cống hiến tri thức, hiểu biết của mình đóng góp cho xã hội. Những lời động viên, kỳ vọng của cử tri về khả năng đóng góp của bản thân là động lực thôi thúc, khiến tôi thêm quyết tâm, hăng hái để tham gia tiếp.
Theo quy định, để được cơ quan giới thiệu đối với nam giới phải sinh sau tháng 8-1963, trong khi tôi lại sinh vào tháng 1-1963, nên mọi người đã động viên tôi tự ứng cử”, ông Cường cho hay.
Làm công tác giảng dạy tại trường Đại học hàng đầu về kinh tế, là Phó chủ tịch Hội kinh tế khoa học Việt Nam, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Hà Nội, trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, là Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, ông Cường được biết đến với nhiều ý kiến phát biểu, chất vấn sắc sảo trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, tài chính, ngân sách.
“Nếu trúng cử, chương trình hành động của tôi hướng vào tiếp tục theo đuổi những đóng góp về các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế xã hội; quản lý phân bổ ngân sách và đầu tư công.
Với những kinh nghiệm nghiên cứu về chống tham nhũng, tôi sẽ tiếp tục chú trọng đóng góp xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng ngay từ khâu xây dựng chính sách, luật pháp. Tôi mong muốn ngăn chặn tham nhũng xảy ra từ khi xây dựng luật, để các chính sách được ban hành đủ chặt chẽ, khiến cho người thực thi chính sách đó không có cơ hội tham nhũng. Bên cạnh đó, phải cải tiến cơ chế giám sát.
Chương trình hành động của tôi cũng sẽ hướng vào đề xuất cơ chế chính sách để giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong các mối quan hệ đối với đất đai - đây là một trong những vấn đề đang nóng hiện nay, là nguyên nhân sâu xa của những tranh chấp, khiếu kiện về đất đai.
Tôi cũng tiếp tục theo đuổi việc giám sát và thực thi các cơ chế kinh tế trong quản lý môi trường để thực hiện cơ chế người gây ô nhiễm phải chi trả đúng, đủ chi phí bồi hoàn cho hậu quả ô nhiễm và khắc phục môi trường, đối tượng chịu tác động được bồi thường chi phí thiệt hại và được hưởng đúng giá trị mang lại từ các hoạt động cải tạo, bảo vệ môi trường”, ông Cường nói.
Tự hào là ĐBQH khóa XIV tự ứng cử
Anh hùng lao động, Công dân ưu tú Thủ đô, ĐBQH khóa XIV, GS Nguyễn Anh Trí chia sẻ bản thân ông rất vinh dự, tự hào được là ĐBQH khóa XIV: “Tôi là ĐBQH khóa XIV tự ứng cử, từ 160 người đăng ký tự ứng cử ban đầu, qua quá trình hiệp thương thì còn lại 11 người và sau khi bầu thì có hai người, trong đó có tôi đã trúng cử.
Ông Trí cũng cho hay: “Từ lúc tôi nộp đơn ứng cử đến trong suốt quá trình 5 năm vừa qua làm nhiệm vụ ĐBQH và tiếp tục tự ứng cử ĐBQH khóa XV, tôi tuyệt đối không hề gặp bất kỳ sự cấm cản, phê phán, nhắc nhở gì của tất cả mọi người, kể cả của cử tri, Nhân dân, và cấp lãnh đạo Nhà nước và thành phố Hà Nội. Tất cả đều nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ.
Ứng cử viên Nguyễn Anh Trí phát biểu tại nghị trường trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV |
Tôi hài lòng với những gì mình thể hiện, điều gì Nhân dân tin cậy, giao cho mình, không phụ lòng tin của người dân. Nhưng sau một nhiệm kỳ trôi qua, tất cả những mong muốn, trăn trở vẫn còn nguyên vẹn. Vì cuộc sống luôn diễn biến, phát sinh những vấn đề mới, những điều chưa thỏa đáng, vướng mắc, những điều khiến người dân trăn trở, bức xúc vẫn còn”.
Ông Trí cho hay, nếu vinh dự được trở thành ĐBQH nhiệm kỳ nữa thì ông thấy nhiệm vụ vẫn còn rất nặng nề, rất lớn, thậm chí còn trăn trở nhiều hơn nhiệm kỳ qua. “5 năm ĐBQH với tôi, mà với các ĐBQH khác cũng vậy, cảm thấy giống như tốt nghiệp thêm một trường Đại học. Không chỉ thêm kiến thức, kinh nghiệm, mà quan trọng là những điều mình trăn trở nó sâu sắc hơn, rõ ràng hơn. Nên nếu tái cử được thì bên cạnh vinh dự, mình biết trăn trở đó làm thế nào để giải quyết tốt hơn.
Tôi đã nộp đơn và chính thức xin tự ứng cử ĐBQH khóa XV. Nói thật là một số đồng chí lãnh đạo đã động viên, nói rằng sẽ đưa tôi vào diện cơ cấu để giới thiệu ứng cử. Nhưng tôi đã chân thành cảm ơn, vì một cuộc bầu cử, việc đại diện theo cơ cấu, sàng lọc rất quan trọng.
Để cơ cấu, phải có kế hoạch, dự kiến từ trước, mà mình là 1 người về hưu, được giới thiệu, thì sẽ có người nào đó bản thân họ cũng đã chuẩn bị, rèn luyện, tổ chức, cơ quan họ cũng chuẩn bị trước sẽ phải nhường lại cơ hội cho mình. Nếu tôi nhận lời, thản nhiên nhận cơ hội đó tôi thấy không nên, và tôi cũng không muốn mất đi cơ hội của ứng cử viên khác. Nên tôi chọn tiếp tục tự ứng cử”, ông chia sẻ.
GS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, ông nói mình hài lòng là dựa vào cử tri: “Hầu hết các cuộc tiếp xúc cử tri từ kỳ họp thứ tám đến nay, đều có ít nhất một cử tri phát biểu đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí tiếp tục tái cử. Mới đây nhất, cử tri Lê Nhất Thống ở Đông Anh cũng bày tỏ đề nghị tôi tái cử. Điều đó khiến tôi thấy mình có trách nhiệm hơn.
Tất cả những lợi thế trước đây tôi vẫn còn giữ nguyên, đó là sức khỏe, kiến thức, hiểu biết, khả năng đọc viết, tổng hợp thông tin và đặc biệt là khả năng phát biểu trước nghị trường. Nhưng tôi có hai lợi thế so với khóa XIV đó là thời gian và kinh nghiệm.
Bây giờ thời gian với tôi thực sự rộng rãi hơn vì tôi đã nghỉ hưu, chỉ làm cố vấn cho Tập đoàn Medlatec, còn khóa XIV tôi vẫn đang làm Viện trưởng. Đặc biệt, tôi có được kinh nghiệm rất quý báu qua một khóa làm ĐBQH mà khi bắt đầu vào khóa XIV tôi chưa hề có, ví dụ như sắp xếp nội dung làm việc, kinh nghiệm nắm bắt thông tin từ cử tri.
Nếu trúng cử, tôi chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào cuộc với những nội dung Quốc hội đề ra. Nhưng có những nội dung này tôi ưu tiên hơn như y tế vì đây là nghề của tôi, và vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Rộng hơn nữa là vấn đề giao thông, quy hoạch, nhất là quy hoạch của Hà Nội; vấn đề chống tham nhũng; công tác tổ chức cán bộ”.
Mong muốn trở thành một đại biểu chuyên nghiệp và năng động
Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, Ths luật Lương Thế Huy là gương mặt trẻ tuổi tự ứng cử và được chọn vào danh sách bầu cử ở cả hai cấp ĐBQH và ĐBHĐND TP Hà Nội.
Ông Huy cho hay, bản thân thấy vô cùng vinh dự khi đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách bầu cử chính thức. Quá trình làm hồ sơ, thủ tục tự ứng cử, ông nhận được sự giúp đỡ, hướng dẫn rất nhiệt tình, cụ thể của cán bộ bầu cử các cấp, nên hoàn thiện hồ sơ rất nhanh gọn.
Ứng cử viên Lương Thế Huy: Mong muốn trở thành một đại biểu chuyên nghiệp và năng động |
“Đa phần người tham gia vào đời sống chính trị là người có tuổi, còn số người trẻ tuổi lại hạn chế, tôi muốn kêu gọi thế hệ trẻ cùng tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Trước hết bằng hành động thiết thực là quan tâm đến bầu cử, tìm hiểu về ứng cử viên, có trách nhiệm với lá phiếu của mình.
Nếu trúng cử ĐBQH, tôi sẽ dùng kiến thức của một người được đào tạo chuyên sâu về pháp luật, kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghiên cứu các vấn đề xã hội và tâm huyết của mình để trở thành một đại biểu có trách nhiệm, một đại biểu chuyên nghiệp trong việc xây dựng pháp luật, một đại biểu thật sự gần dân và chủ động tìm đến cử tri, và là một đại biểu năng động trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội”, ông Huy nói.
Còn nếu được cử tri chọn là ĐB HĐND TP Hà Nội, ông đặc biệt quan tâm đến các vấn đề nóng, thiết thực của Thủ đô như phát triển đồng đều chất lượng giáo dục, hệ thống y tế công cộng, giao thông ô nhiễm môi trường; vấn đề quy hoạch đô thị phải đi kèm các giải pháp văn hóa, giáo dục, y tế phù hợp với nhu cầu phát triển trong tương lai của Thủ đô; tham gia tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến cho chiến lược phát triểnHà Nội thành thành phố sáng tạo…
(Còn nữa)
Kỳ 1: “Rộng cửa” cho người tự ứng cử Quyền tự ứng cử được ghi nhận trong luật từ rất lâu, nhưng những nhiệm kỳ gần đây, có nhiều người tự ứng cử và ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại