Kỳ 1: “Rộng cửa” cho người tự ứng cử
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDấu hiệu tốt để nâng cao chất lượng đại biểu
Với tinh thần đổi mới, dân chủ hiện nay, việc một cá nhân tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) đã trở thành việc làm bình thường. Gần đây nhất, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đã có 2 ứng cử viên tự ứng cử trở thành ĐBQH là ông Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) và ông Phạm Quang Dũng (đoàn Nam Định).
Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, cả nước có 9 người tự ứng cử được hiệp thương, đưa vào danh sách chính thức để bầu cử, trong đó, thành phố Hà Nội có 3 người, nhiều nhất trong cả nước. Với cuộc bầu cử ĐBHĐND TP Hà Nội, cũng có 1 ứng cử viên tự ứng cử được chọn vào danh sách ứng cử viên chính thức.
Là một cử tri trẻ lần đầu được đi bỏ phiếu, chị Mai Thị Hương, sinh viên năm thứ 2, Trường đại học Nội vụ cho biết, chị và bạn bè thấy rất hào hứng với việc có nhiều người tự ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp, nhất là người trẻ tuổi và cho rằng nên khuyến khích điều này để thể hiện sự dân chủ và nâng cao ý thức chính trị cho người dân.
Nơi niêm yết danh sách cử tri |
Còn theo GS Nguyễn Anh Trí - ĐBQH khóa XIV, cũng là ứng cử viên ĐBQH khóa XV thì Luật bầu cử Quốc hội sửa đổi đã tạo điều kiện cho hoạt động bầu cử được cải thiện hơn một bước, tạo điều kiện cho người dân tự ứng cử. “Khóa trước có nhiều hơn khóa này với 49 người tự ứng cử, nhưng khóa này, người tự ứng cử chất lượng hơn nhiều. Đây là dấu hiệu rất tốt để nâng cao chất lượng đại biểu”, GS Nguyễn Anh Trí nhìn nhận.
Còn ông Nguyễn Văn Lưỡng, cán bộ hưu trí, trú tại tổ 18 phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho rằng: “Ai đã lọt qua 3 vòng hiệp thương thì đều xứng đáng rồi, nhưng tôi sẽ chọn người nào có thời gian cho hoạt động đại biểu, như vậy họ mới liên hệ, lắng nghe ý kiến của cử tri, bởi nếu đại biểu quá bận, chỉ “xuất hiện” trước cử tri một năm 4 lần vào các cuộc tiếp xúc định kỳ thì chưa đủ tâm huyết”.
Vận động bầu cử không phải đơn thuần là việc của ứng cử viên
Dù việc tín nhiệm của cử tri có vai trò quan trọng, quyết định một ứng cử viên có được chọn lựa hay không, nhưng thực tế cho thấy, cử tri khó có thể tự mình tìm hiểu kỹ càng về lai lịch, nhân thân, quá trình công tác… của người ứng cử. Do đó, sau khi hiệp thương sàng lọc, chọn được ứng cử viên, cần công khai hồ sơ lý lịch của ứng cử viên cũng như chương trình hành động thật đầy đủ, tổ chức hiệu quả, thực chất các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc vận động bầu cử.
Cử tri Nguyễn Văn Vĩnh, Tổ 9, phường Tứ Liên xem danh sách cử tri được niêm yết |
Là ĐBQH khóa XIV, ứng cử viên ĐBQH khóa XV, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, có nhiều phương thức vận động bầu cử để chuyển tải thông tin về ứng cử viên đến người dân và cử tri và không nên coi nhẹ phương thức nào. Điều quan trọng là làm thế nào để thông tin về người ứng cử được truyền thông đến người dân và cử tri một cách đầy đủ, trung thực, khách quan nhất. Đặc biệt, cần cung cấp đầy đủ những đóng góp của ứng cử viên trong việc đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của những người đã bầu chọn ra mình là đại diện ở mỗi vị trí công tác… chứ không chỉ đơn thuần là bản lý lịch trích ngang tóm tắt các thông tin mỗi về chức vụ và vị trí đã đảm nhiệm.
“Việc tổ chức vận động bầu cử không phải đơn thuần là việc của ứng cử viên, mà đây là công việc chính của các cơ quan, tổ chức bầu cử để người dân quan tâm, hiểu rõ hoạt động bầu cử, nắm bắt đầy đủ thông tin về các ứng cử viên, nhất là được đối thoại trực tiếp với từng ứng cử viên để đánh giá về năng lực của ứng viên và tính thực tế khả thi của chương trình hành động.
Theo tôi, nên tổ chức nhiều buổi tiếp tiếp xúc giữa các ứng cử viên với cử tri theo từng địa bàn nhỏ vì đây là cuộc sát hạch trực tiếp của cử tri với ứng cử viên. Cách tổ chức buổi tiếp xúc cử tri nên như một buổi đối thoại, người chủ trì cần đặt ra các câu hỏi, cử tri cần chất vấn với ứng cử viên. Từ đó giúp cử tri đánh giá thông qua phép thử năng lực đối thoại chất vấn của ứng cử viên, không nên chỉ đọc bài trình bày đã chuẩn bị sẵn, rồi hỏi 1-2 câu hình thức, thì cử tri nghe xong rồi cũng dễ quên…
Trong thời Covid-19 này, nếu có thể tổ chức hội nghị trực tuyến cũng rất tốt, trao đổi thông tin trên mạng xã hội cũng là một kênh thông tin rất hữu dụng và phổ biến, nhưng phải quản trị và sàng lọc thông tin tốt, tránh các thông tin không có độ tin cậy”.
(Còn nữa)
Hiện, cả nước chia thành 184 đơn vị bầu cử, với 868 người ứng cử để bầu ra 500 ĐBQH. Có 203 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, địa phương có 665 người (đạt tỉ lệ 1,74 người/1 đại biểu được bầu). TP.HCM là địa phương có nhiều người ứng cử nhất (50 người), được bầu số lượng ĐBQH nhiều nhất (30 người); Hà Nội có 49 người ứng cử, được bầu 29 đại biểu. Về cơ cấu kết hợp, có 205 người tái cử (23,62% tổng số người ứng cử), người trẻ dưới 40 tuổi là 224 (25,81%), độ tuổi bình quân của người ứng cử là 46, người cao tuổi nhất là 77, trẻ nhất là 24. Trong số những người ứng cử, có hơn 45% nữ, hơn 21% là người dân tộc thiểu số, 8,53% ngoài đảng (74 người). Về trình độ chuyên môn: gần 65% trên đại học, gần 35% trình độ đại học, chỉ 10 người trình độ dưới đại học (1,15%). Hầu hết người ứng cử ĐBQH Khóa XV đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại