Tình huống pháp lý vụ dùng thuốc sâu đầu độc gia đình hàng xóm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBị cán Triệu Thị Ton, nghi phạm dùng thuốc sâu đầu độc nhà hàng xóm. (Ảnh: CACC) |
Ngày 22/11, VKSND huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai cho biết, đơn vị đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Triệu Thị Ton (SN 1976, trú tại xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn) về tội “Giết người” theo Điều 123, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước đó, khoảng 9h ngày 20/10, anh Đ.T.N. (SN 1995, trú tại thôn Nậm Cần, xã Dần Thàng, huyện Văn Bàn) phát hiện nguồn nước sinh hoạt của gia đình có màu trắng đục và mùi lạ giống mùi thuốc trừ sâu. Anh N. nghi ngờ có người đầu độc nên đã trình báo sự việc với Công an xã Dần Thàng.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, CA huyện Văn Bàn đã phối hợp các phòng nghiệp vụ CA tỉnh Lào Cai khẩn trương vào cuộc điều tra. Kết quả điều tra bước đầu xác định, do có mâu thuẫn với vợ chồng anh N., nên khoảng 8h ngày 20/10, Triệu Thị Ton đã đổ thuốc trừ sâu vào đầu nguồn nước được gia đình anh N. dẫn về nhà để sử dụng trong sinh hoạt nhằm mục đích đầu độc các thành viên trong gia đình anh.
Sau khi VKSND huyện Văn Bàn phê chuẩn, ngày 21/11, Cơ quan CSĐT CA huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Triệu Thị Ton theo quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, khi đổ thuốc trừ sâu vào đầu nguồn nước của gia đình anh N. thì bị can hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm không chỉ cho một người mà còn cho cả các thành viên sử dụng chung nguồn nước này.
“Ai cũng ý thức được thuốc trừ sâu gây nguy hiểm cho người khác nên khi đổ nó vào nguồn nước, bị can buộc phải ý thức rõ là nếu sử dụng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí có thể gây chết người. Bởi lẽ, đây là nguồn cung cấp nước ăn duy nhất cho tất cả các thành viên trong gia đình anh N., nếu sự việc không được phát hiện kịp thời thì hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm” - luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích.
Tuy nhiên, nếu kết quả giám định cho thấy với hàm lượng thuốc trừ sâu đổ xuống tan trong nguồn nước, khi sử dụng chỉ bị tổn hại đến sức khỏe thì hành vi của bà Triệu Thị Ton là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
Trường hợp kết luận giám định cho thấy nếu sử dụng nước có nhiễm thuốc trừ sâu sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong thì hành vi của bà Ton là hành vi phạm tội “Giết người” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người phạm tội đã cố ý thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó không xảy ra.
Trường hợp bị chứng minh là có tội, người gây ra vụ việc có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 57, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt.
Cụ thể, người vi phạm có thể đối mặt hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp, nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định. Bên cạnh đó, tùy vào mục đích, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội, các tình tiết về nhân thân của người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng xác định chính xác trách nhiệm hình sự để xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
“Dù chế tài của pháp luật như thế nào chăng nữa thì hành vi của bị can Triệu Thị Ton sẽ bị cả cộng đồng lên án mạnh mẽ và sắp tới sẽ phải đối mặt với mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật” - luật sư Nguyễn Hồng Thái nói.
Hành vi lái xe gây tai nạn trong sân trường | |
Gây thương tích cho bạn học sẽ bị xử lý như thế nào? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại