Đại biểu Quốc hội: Đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét những vấn đề của bảo hiểm nhân thọ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh phiên họp. |
Phòng, chống bạo lực học đường: Cần phân định rõ trách nhiệm của gia đình và nhà trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục đảm bảo hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường thời gian qua đang diễn ra phức tạp…
Những vụ việc bạo lực học đường đau lòng trong thời gian vừa qua phần nào đã phản ánh văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức, trong đó có nguyên nhân từ nhiều phía, từ gia đình, nhà trường và xã hội. Đây không phải là những trường hợp riêng lẻ của các địa phương mà là vấn đề mà ngành giáo dục và toàn xã hội cùng phải nhìn nhận để có giải pháp phối hợp và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Trước khi nói đến trách nhiệm của các cá nhân trong mối quan hệ học đường, đại biểu cho rằng, còn có trách nhiệm không nhỏ của xã hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. |
Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh các chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng nhà trường, năng lực tổ chức nhà trường. Theo đó, hướng đến hiệu trưởng nhà trường phải có thế giới quan khoa học để hiểu rõ, nắm vững mục tiêu giáo dục, có khả năng cụ thể hóa các mục tiêu, xây dựng được các mối quan hệ trong nhà trường trên cơ sở tình thương, sự bao dung lòng vị tha, sự thẳng thắn và trách nhiệm.
Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cũng bày tỏ quan tâm tới tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp hiện nay. Đại biểu phân tích rằng, nguyên nhân của tình trạng này là trẻ muốn nhận được nhiều sự chú ý hơn, vì vậy, môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu này của các em.
Đại biểu cho rằng, trẻ em mỗi cháu đều có năng lực, năng khiếu ở một số bộ môn, lĩnh vực, môi trường giáo dục cần tạo điều kiện để công nhận, khuyến khích năng lực cá nhân đó của mỗi trẻ em. Ngành giáo dục cần có cơ chế để các em có cơ hội, dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm, được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, được hòa nhập với các bạn, thỏa mãn nhu cầu được công nhận, để các em không có xu hướng sử dụng bạo lực trong môi trường học đường. Điều này cũng giúp các em có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông mà hiện nay học sinh, sinh viên còn đang thiếu.
Cùng với đó, đại biểu cho rằng, cần có sự phân định rõ ràng, việc nào thuộc trách nhiệm của gia đình, việc nào là trách nhiệm của nhà trường đối với trẻ em. Đại biểu cho biết, trong môi trường học đường, các thầy cô có kỹ năng sư phạm và công bằng hơn đối với tất cả học sinh, nên cần ưu tiên dạy điều hay lẽ phải, để trẻ có suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt hàng ngày chuẩn mực. Cha mẹ cần tập trung chăm sóc, làm gương tốt cho con, theo dõi, nhắc nhở các con thực hiện những gì thầy cô đã dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện.
Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm đến việc sử dụng trang phục áo dài ngũ thân trên nghị trường. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét đưa một nội dung vào Nghị quyết Kỳ họp này cho phép đại biểu được mặc áo dài ngũ thân tại các phiên họp, khi viếng lăng Bác và trong lễ chào cờ.
Hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng
Phát biểu, tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phi Thường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu rõ, doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đứng trước khó khăn thách thức lớn, đòi hỏi Quốc hội phải quan tâm hơn, đòi hỏi Chính phủ phải có hành động nhanh, chất lượng
Đại biểu Nguyễn Phi Thườn - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. |
Góp ý về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, mô hình này đang được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, áp dụng như một một giải pháp căn cơ, dài hạn để giải quyết những vấn đề lớn liên quan đến phát triển đô thị như quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển hạ tầng…
Bên cạnh những lợi ích mà TOD mang lại như giảm ùn tắc giao thông, tăng số lượng hành khách sử dụng giao thông công cộng, đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng chỉ rõ một số hạn chế như triển khai dự án theo mô hình TOD luôn có rủi ro, thách thức. Thực tế triển khai các dự án đường sắt đô thị trong thời gian qua cho thấy khá nhiều bất cập.
Do vậy, đại biểu đề nghị việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị phải đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn, phát triển đô thị bền vững, kết hợp với vai trò chủ đạo của Nhà nước, với nguồn lực, sự sáng tạo khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy cho sự phát triển.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư tuyến đường sắt hiện nay là rất cần thiết và TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết những bài toán khó giao thông đô thị cho thành phố. Khi áp dụng mô hình này, đại biểu cho rằng cần nhận diện một số vấn đề nhận thức như về chiến lược, về hành lang pháp lý, về định hướng chiến lược, quy hoạch và về cơ chế chính sách.
Về một số định hướng đề xuất cần phát triển thời gian tới, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Quốc hội cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến mô hình TOD trong các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng… để đảm bảo tính đồng bộ.
Quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc
Phát biểu tranh luận liên quan đến câu chuyện đùn đầy, né tránh, sợ trách nhiệm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nêu rõ, vấn đề đặt ra là làm sao bắt cho đúng bệnh.
Dẫn chứng từ câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Tạ Văn Hạ chỉ rõ nhiều năm đặt ra vấn đề này nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm. Trong khi nếu như càng về các năm cuối khi các thủ tục đã hoàn thành thì càng dễ giải ngân, tỉ lệ giải ngân phải cao hơn như thực tế vẫn còn rất thấp. Cùng với đó, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành với Chính phủ tháo gỡ khó khăn về thể chế, bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, nhiều nghị quyết được ban hành nhằm tháo gỡ vướng mắc. Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Như vậy, trong cùng một hệ thống chính sách, thể chế nhiều địa phương giải ngân vẫn rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn chậm.
Đại biểu Tạ Văn Hạ, - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. |
Đại biểu Tạ Văn Hạ chia sẻ, qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, cán bộ không chịu tham mưu cũng không xử lý được. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu. Đại biểu nhấn mạnh phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc.
Thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc do còn tình trạng cán bộ không dám làm, sợ chịu trách nhiệm. Vệc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó, nguyên nhân khách quan là pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vì vậy, cần tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn, có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá. Công tác đánh giá cán bộ cũng cần phải được đổi mới, cách đánh giá cần giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm tin rằng, nếu mình làm vì lợi ích chung thì sẽ được nhìn nhận đúng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn. |
Đã đến lúc nghiêm túc xem xét những vấn đề của bảo hiểm nhân thọ
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phản ánh, về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại. Vừa qua, nhiều tờ báo đã đăng tải các bài để chỉ cách cho người dân tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ. Cho thấy đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.
Về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 đến 100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua. Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp.
Về đội ngũ tư vấn viên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, đây là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua. Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm mạo hiểm. Không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi... Đại biểu chỉ rõ đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn.
Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, bên cạnh những công ty làm ăn uy tín thì thời gian vừa qua có phát sinh nhiều vấn đề. Dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng. Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình.
Chỉ rõ, tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động mạo hiểm, nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Kiến nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng. Kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng. Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại