Hà Nội: Xây dựng giải pháp để hướng đến bảo hiểm xã hội toàn dân
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và Hà Nội chủ trì cuộc làm việc. |
Ủy viên Trung Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An và Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà chủ trì hội nghị.
Góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn TP Hà Nội, công tác bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được nâng lên, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương. Hệ thống chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội từng bước được hoàn thiện, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tăng nhanh qua từng năm.
Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm, chú trọng. Việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không để tồn đọng hoặc phản ánh việc chậm, chưa giải quyết, những thắc mắc của công dân đều được giải đáp thỏa đáng. Qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, năm 2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 1.673.839 người (chiếm 35,9% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội). Ước đến hết năm 2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội là 2.218.675 người (tăng 544.836 người và tăng 32,6% so với năm 2018), chiếm 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.
Thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; thực hiện dịch vụ Bưu chính công giảm chi phí và thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia và thu hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Năm 2020, triển khai ứng dụng VssID- Bảo hiểm xã hội số trên nền tảng thiết bị di động. Đến tháng 4/2023, có 3.724.860 người đăng ký tài khoản giao dịch điện tử và cài đặt ứng dụng VssID.
Đồng thời, giai đoạn 2018 - 2023, TP Hà Nội chi trả lương hưu và các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng của trên 590.000 người với tổng số tiền 204.831 tỷ đồng (bình quân mỗi năm tăng trên 8%). Thực hiện giảm mức đóng và các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với trên 1,7 triệu người. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2018 - 2023 đạt 292.934 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022, số thu là 54.214 tỷ đồng (tăng 15.417 tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2018) và ước năm 2023 thu 60.183 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại cuộc làm việc. |
Nâng tỷ lệ tham gia bảo hiểm trong khu vực phi chính thức
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTr/TU, với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trên địa bàn thành phố.
Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo nâng cao số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là trong việc chi trả tiền lương hưu hằng tháng. Tuy vậy, số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố còn chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền đối với việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã được nâng lên nhưng một số nơi vẫn còn hạn chế; tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội cũng còn lớn…
Tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, trong thời gian tới, Thành ủy Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW và phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; đạt khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An - Trưởng đoàn khảo sát ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đồng bộ, toàn diện, tích cực trên nhiều mặt của TP Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền, xây dựng văn bản cụ thể hóa. Đặc biệt, với số lượng người thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội rất lớn, song Hà Nội đã thực hiện tốt phương châm chi trả đảm bảo an ninh, an toàn, đúng kỳ, đúng đối tượng, thông qua đó tạo niềm tin tốt cho người lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn.
Lưu ý khu vực kinh tế tư nhân của thành phố rất sôi động, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên với tỷ lệ 1,5% lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội như hiện nay là thấp và chưa tương xứng với tiềm năng. Do vậy, Trưởng đoàn khảo sát đề nghị Hà Nội cần có giải pháp để nâng tỷ lệ này lên và hướng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Hà Nội, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, đoàn khảo sát sẽ tiếp thu để gửi đến Chính phủ, Quốc hội phục vụ quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Đồng thời cũng đề nghị TP Hà Nội sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW để để gửi đoàn khảo sát.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại