Kỳ cuối: Cần sự quyết liệt của các nhà cung cấp mạng viễn thông
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCần sự chung tay, quyết liệt của các nhà cung cấp mạng viễn thông. Ảnh minh họa |
Kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội
Để dẹp bỏ vấn nạn này, ngoài những biện pháp quyết liệt, cần có sự phối kết hợp của các ban, ngành. Trong Hội thảo hội thảo trực tuyến “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” diễn ra tại Hà Nội, Trung tá Đỗ Minh Phương, Phó trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, trong năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1047 vụ/1718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng.
Trung tá Đỗ Minh Phương nhận định, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) nhằm len lỏi, tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền…
Để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài những biện pháp tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chính quyền tăng cường xử lý những tổ chức tín dụng đen… Trung tá Đỗ Minh Phương còn cho rằng, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh Covid-19.
Kịp thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn để có giải pháp tháo gỡ, góp phần hạn chế người dân có nhu cầu vay tiền chính đáng, phục vụ sản xuất, kinh doanh phải tìm đến “tín dụng đen”...
Cũng để tránh những vụ việc xảy ra như trên, trước đó Bộ Công an đã ra khuyến cáo, để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.
Và khi gặp phải những trường hợp bị đòi nợ mặc dù không vay tiền, Bộ Công an cũng chỉ dẫn, cụ thể: Cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình. (Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng); Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên; Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ.
Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. Ngoài ra, nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời; Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Tuy nhiên, việc lực lượng Công an chuyên biệt vào cuộc cũng chưa hẳn sẽ giải quyết dứt điểm nếu như không có sự phối hợp của ngành công nghệ thông tin. Mà cụ thể ở đây là các nhà cung cấp mạng viễn thông. Điều này cũng quy định rõ trong Luật cũng như các Nghị định.
Căn cứ theo Điều 9 của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, Chính phủ quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, hướng dẫn, cung cấp cho người sử dụng các công cụ, ứng dụng để phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác và cho phép người sử dụng chủ động ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Đồng thời các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cần thực hiện triệt để các biện pháp ngăn chặn tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đến Danh sách không quảng cáo (Danh sách không quảng cáo (DoNotCall) là tập hợp số điện thoại mà người có quyền sử dụng số điện thoại đó đã đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào). Ngăn chặn, thu hồi địa chỉ điện tử được dùng để phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Quy định, luật định đã có, tuy nhiên các cuộc gọi cũng như tin nhắn làm phiền, tin nhắn rác, tin nhắn đòi nợ, lừa đảo vẫn lũng đoạn trong cả một thời gian dài. Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ trong 1 tháng, hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tổng đài 5656 của Cục An toàn thông tin đã tiếp nhận hơn 13.000 phản ánh của người dân về việc bị làm phiền bởi tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Đáng chú ý, Trung tâm VNCERT/CC đã ghi nhận nhiều phản ánh của người dân về việc nhận được tin nhắn, cuộc gọi đe dọa, đòi nợ làm phiền dù không liên quan.
Đây vẫn là chưa là con số cuối cùng, bởi theo các nhà mạng viễn thông, họ chỉ tập hợp và ra con số căn cứ vào các cuộc gọi mà người dân chủ động phản ánh. Thực tế, nhiều cuộc gọi hoặc tin nhắn rác được gửi đến người dân họ sẽ không quan tâm, cũng không báo cho nhà mạng, thậm chí nhiều người đã bị lừa đảo từ những cuộc gọi, tin nhắn ấy cũng không phản ánh đến doanh nghiệp viễn thông mà trực tiếp đến báo với cơ quan Công an.
Về vấn nạn này, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, hầu hết cuộc gọi rác gây phiền nhiễu đến người dùng, thậm chí là lừa đảo; đa phần xuất phát từ sim thuê bao chưa được định danh.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, để ngăn chặn sim rác, cuộc gọi rác, cần thiết sự chung tay của cả xã hội. Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, nhà mạng sẽ gửi tin nhắn để người dùng có thể trực tiếp phản hồi. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao rác, thực hiện cuộc gọi rác, tin nhắn rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý các thuê bao này dựa trên quy định đã có.
“Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý sim rác, phải làm sạch thông tin thuê bao để tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể để người dân phải chịu gánh nặng này” - Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định.
Ngày 29/8, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và sim rác.
Đã có nhiều cuộc thanh tra, xử phạt của các nhà mạng đối với các đơn vị cung cấp sim, số… Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này không phải một sớm một chiều. Và hơn bao giờ hết, việc quyết liệt cần đồng bộ, dài hơi cũng như doanh nghiệp đôi khi phải hi sinh cả những lợi ích của mình vì sự an toàn chung của xã hội mới mong giải quyết được vấn nạn trên.
Quyết liệt và dài hơi, chứ không phải “bắt cóc bỏ đĩa”!
Kỳ 1: Từ không vay cũng bị đòi nợ đến chuyện… đòi nợ nhầm | |
Kỳ 2: Dọa cho con “lên bàn thờ” nếu mẹ không trả nợ | |
Kỳ 3: Luật pháp Việt Nam không cho phép dùng cách thức đe dọa, khủng bố để đòi nợ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại