Thứ tư 24/04/2024 15:52
Bát nháo tin nhắn đòi nợ

Kỳ 1: Từ không vay cũng bị đòi nợ đến chuyện… đòi nợ nhầm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Câu chuyện không vay nợ nhưng vẫn bị nhắn tin đòi nợ tưởng chừng là câu chuyện “xưa như trái đất”, thế nhưng cho dù đã dùng nhiều biện pháp theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, những chiêu trò này vẫn tiếp tục gây khó chịu đến rất nhiều người.
Kỳ 1: Từ không vay cũng bị đòi nợ đến chuyện… đòi nợ nhầm
Tin nhắn của các đối tượng gửi đến những người không liên quan để... đòi nợ

Không vay cũng bị… đòi nợ

Không vay nợ, cũng không tham gia trên hội nhóm và đăng ký vào bất cứ app nào trên mạng, nhưng anh T.Q.H (Đông Anh, Hà Nội) vẫn nhận được những tin nhắn… đòi tiền.

“Họ nhắn cho tôi rằng có quen ai đó tên Trọng, có kèm theo số điện thoại vay tiền của họ. Và họ nói tôi là người nhà của người có tên Trọng này. Giờ anh Trọng không trả nợ hay chưa trả hết hoặc đã trốn đi đâu đó, nhưng những đối tượng cho vay đã nhắn tin đe dọa tôi, ép tôi phải liên hệ với anh Trọng để đòi nợ cho họ” – anh H. cho biết.

Cũng theo nội dung tin nhắn, nếu anh H. không thực hiện việc “đòi nợ hộ” cho chúng, chúng sẽ điện cho lãnh đạo nơi cơ quan anh đang làm việc, hoặc sẽ đăng hình lên facebook truy nã (?!).

Anh H. cho biết, anh không hề quen biết ai tên là Trọng và có số điện thoại như trong tin nhắn mà các đối tượng đã nhắn. Việc bị nhắn tin đòi nợ kiểu này ở cơ quan anh không chỉ có riêng mình anh bị, mà theo anh, đã có rất nhiều bạn bè của anh cũng gặp những trường hợp tương tự.

“Có anh giáo viên tôi quen biết cũng nhận được những tin nhắn đòi nợ. Không chỉ nhắn tin, họ còn gọi điện cả đêm lẫn ngày. Họ đe dọa sẽ không để cho gia đình anh được yên thân. Chưa hết, những số điện thoại này còn gọi điện cho cả hiệu trưởng, đồng nghiệp trường anh để quấy rối và chửi bới. Cực chẳng đã anh giáo viên đành gom góp tiền rồi chuyển trả cho chúng.” – anh H. kể.

Không vay mà vẫn bị đòi nợ, hoặc không nợ nhưng vẫn gom tiền để trả là điều tưởng như khó tin, thế nhưng anh H. cho biết, để tránh những rắc rối không đáng có, mọi người sẽ tự tìm cách giải quyết. “Thường số tiền sẽ không lớn, chỉ tầm vài triệu đến chục triệu nên để tránh phiền phức vì bị đeo bám, người ta thường sẽ chủ động trả cái món nợ trời ơi đất hỡi mà người ta không hề vay” – anh H. nói.

Đến chuyện đòi nợ… nhầm

Mới đây, chị Nguyễn Thanh Nga (Long Biên, Hà Nội) đã chia sẻ một câu chuyện dở khóc dở cười mà chị gặp phải. Theo chị Nga, một buổi chiều chị có nhận được tin nhắn từ một số máy lạ với nội dung tin nhắn thể hiện việc anh N.T.T, chồng chị, có thực hiện giao dịch vay nợ với một công ty chuyên cho vay qua app. Sau đó anh T. không thực hiện việc trả nợ như cam kết, vậy nên đối tượng nhắn tin cho chị Nga đề nghị chị nhắc nhở anh T. thực hiện việc trả nợ nếu không muốn dính dáng đến pháp luật.

“Ban đầu khi nhận được tin nhắn tôi rất hoang mang. Vì tên, số chứng minh thư rõ ràng đúng là của chồng tôi. Nhưng việc vay qua app thì quả thực khiến tôi khó hiểu. Chồng tôi, một người đặc biệt ngại việc vay mượn, nợ nần làm gì có chuyện lại đi vay qua app” – chị Nga nói.

Và để hiểu rõ hơn sự việc, chị Nga có điện đến số máy đối tượng đã cho trong tin nhắn. Nghe điện thoại của chị, đối tượng cho biết hồi tháng 12/2019 anh T. có thực hiện giao dịch tín dụng với Công ty TNHH ATM Online số tiền là 3,5 triệu đồng thời hạn 3 tháng với lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, anh T. vẫn không hoàn trả số tiền trên nên người tự xưng là Hào đó yêu cầu chị Nga thanh toán số tiền cả vốn lẫn lãi là 6 triệu đồng nếu không sẽ khởi kiện ra tòa.

Để minh chứng câu chuyện của mình, đối tượng đã gửi cho chị Nga toàn bộ “hồ sơ” vay nợ của anh T. qua zalo. “Rất bất ngờ là chiếc chứng minh thư được gửi có số, tên, ngày tháng sinh và toàn bộ các thông tin nhận dạng, ngày cấp… đều là của chồng tôi. Nhưng năm sinh, nguyên quán và địa chỉ thường trú lại không phải. Và đặc biệt trên cái chứng minh thư đó, ảnh lại là một người… mà tôi không quen biết” – chị nói.

Từ đó chị suy ra, khả năng trong một trường hợp nào đó chiếc chứng minh thư của anh bị lộ, lọt ra ngoài và đã được các đối tượng lừa đảo chỉnh sửa rồi dùng hình ảnh chỉnh sửa đó để vay tiền qua app. Sau khi xác định được điều đó có thể xảy ra, sáng hôm sau chị Nga gọi điện cho số điện thoại đã liên hệ cho chị hôm qua.

“Sau khi tôi gọi và hỏi tại sao lại có số máy của tôi thì bên kia trả lời trong hợp đồng tín dụng ký khi vay, người vay đã để lại số máy. Nhưng khi tôi hỏi tại sao khi ký kết lại không gọi cho tôi để xác minh thì họ trả lời: “Số tiền có 3,5 triệu, nó không quá lớn nên bên bộ phận tín dụng thấy không cần thiết phải xác minh đến chị. Bởi khi thực hiện ký kết, anh T. đã cung cấp số CMT cũng như ảnh chụp cùng CMT”.

Tôi cho họ biết, số chứng minh thư và tên thì chính xác là của chồng tôi, tuy nhiên ảnh, năm sinh cũng như nguyên quán, địa chỉ thường trú hoàn toàn không phải. Vậy nên các anh bị lừa rồi. Nghe tôi nói vậy, đối tượng cám ơn rồi cúp máy. Trước khi cúp tôi còn nghe rõ họ buông 1 câu: Thôi, Xong!!!” – chị Nga kể.

(Còn nữa)

Bắt nhóm cho vay lãi nặng, quay clip để khống chế con nợ Bắt nhóm cho vay lãi nặng, quay clip để khống chế con nợ
Giả danh nhân viên công ty tài chính đòi nợ như tín dụng đen Giả danh nhân viên công ty tài chính đòi nợ như tín dụng đen
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động