Thứ sáu 29/03/2024 18:26
Bát nháo tin nhắn đòi nợ:

Kỳ 3: Luật pháp Việt Nam không cho phép dùng cách thức đe dọa, khủng bố để đòi nợ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù luật pháp Việt Nam không cho phép dùng cách thức khủng bố, đe dọa để đòi nợ. Nhưng hiện nay, hàng loạt vụ việc liên quan đến quấy rối, đe dọa bằng hình thức nhắn tin, gọi điện vẫn xảy ra thường xuyên.
Kỳ 3: Luật pháp Việt Nam không cho phép dùng cách thức đe dọa, khủng bố để đòi nợ
Hành vi của các chủ nợ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Vay tiêu dùng cá nhân thì cá nhân người vay chịu trách nhiệm

Theo quy định của pháp luật, các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân thì cá nhân người vay chịu trách nhiệm, không liên quan đến người thứ hai, trừ trường hợp người đó ký đứng ra bảo lãnh cho khoản vay đó.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, anh T.T.P, tín dụng của một ngân hàng cho biết: “Thường các bản hợp đồng ký kết vay nợ sẽ phần cuối thường nêu rõ "Hợp đồng này được điều chỉnh theo luật pháp của Việt Nam". Như vậy, kể từ ngày khách hàng ký vào bản hợp đồng đó thì tất cả những nội dung nào không phù hợp và trái pháp luật sẽ phải điều chỉnh theo pháp luật của Việt Nam.

Với những hành vi cố ý vi phạm pháp luật, như quấy rối điện thoại, đe dọa hay bôi nhọ, xúc phạm nhân phẩm trên mạng xã hội… nạn nhân hãy ghi âm, thu thập chứng cứ để gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an và Ngân hàng nhà nước. Nếu có thiệt hại đến công việc, uy tín, danh dự, sức khỏe..., có quyền yêu cầu bồi thường, thậm chí yêu cầu hoàn trả lại số tiền mà các công ty tài chính, ngân hàng thương mại liên quan đã thu sai, thu trái quy định của pháp luật...". – anh P. nói.

Về vấn đề này, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội, hành động nhắn tin đe dọa đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật. Theo khoản 1a của Điều 156 Bộ luật Hình sự, người nào thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

“Hành vi nhắn tin không mang tính chất đe dọa giết người mà chỉ là những lời đe dọa thông thường nhằm ép buộc người nhận được tin nhắn phải thực hiện những yêu sách thì hành vi này không phạm tội hình sự nhưng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số, vô tuyến điện.” – luật sư Hùng phân tích.

Còn việc mẹ vay nợ, các đối tượng mang con cái hoặc người thân ra đe dọa theo kiểu “cho lên bàn thờ” hoặc làm cáo phó… theo Luật sư Hùng, đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng. Theo quy định tại khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội đe dọa giết người, người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Hành vi của các chủ nợ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Liên quan đến câu chuyện mạo danh phụ huynh, Luật sư Nguyễn Thị Yến – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, mặc dù mục đích không đạt được, nhưng hành vi gọi điện và giả mạo đã có dấu hiệu để thể xét vào tội “Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi” theo quy định tại Điều 153 BLHS 2015.

“Rõ ràng đối tượng đã có ý định và thực tế đã hành động. Rất may là giáo viên đã thực hiện đúng quy chế nên đã ngăn chặn được điều đáng tiếc có thể xảy ra. Nhưng không vì thế mà các đối tượng giả mạo này không bị định tội.” – luật sư Yến nói.

Cũng theo Luật sư Yến, sau khi không thực hiện được hành vi đón học sinh rời khỏi trường, hành vi gọi điện thoại cho giáo viên để lăng mạ, đe dọa giáo viên phải thực hiện yêu cầu trên. Đồng thời quấy rối các thành viên trong trường qua điện thoại cũng như thông qua mạng xã hội facebook cũng có thể xử lý theo quy định của pháp luật.

Hiến pháp quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm. Quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”. Như vậy, mỗi con người đều có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm – luật sư Yến nhận định.

Căn cứ vào Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ngày 03 tháng 02 năm 2020, cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Đồng thời, hành vi của các chủ nợ trên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, dựa vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, cá nhân, tổ chức nói xấu, bôi nhọ, lăng mạ và xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác trên mạng xã hội. Theo đó, Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

Cá nhân, tổ chức có thể bị kết Tội làm nhục người khác nếu có hành vi “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Hành vi này không phân biệt không gian thực hiện là trên mạng xã hội hay trên thực tế, chỉ cần cá nhân, tổ chức có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể cấu thành tội làm nhục người khác và bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Từ không vay cũng bị đòi nợ đến chuyện… đòi nợ nhầm Kỳ 1: Từ không vay cũng bị đòi nợ đến chuyện… đòi nợ nhầm
Kỳ 2: Dọa cho con “lên bàn thờ” nếu mẹ không trả nợ Kỳ 2: Dọa cho con “lên bàn thờ” nếu mẹ không trả nợ
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động