Khi bị vu khống người dân cần bình tĩnh tìm ra những phương án phù hợp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCảnh sát tìm bằng chứng phạm tội tại Công ty Tài chính Mirae Asset |
Liên tục bắt các tổ chức, đối tượng cho vay nặng lãi, thu hồi nợ
Mới đây, Cơ quan CSĐT – Công an TP HCM đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 13 đối tượng thuộc Công ty Tài Chính TNHH MTC Mirae Asset (phường 6, quận 4, TP HCM).
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn và thông tin báo chí phản ánh, Công an TP HCM xác định một số công ty thu hồi nợ sử dụng phương thức dùng điện thoại di động gọi điện đe dọa, chửi bởi, lợi dụng mạng xã hội để khủng bố bằng cách cắt ghép hình ảnh, vu khống, đưa thông tin sai sự thật về người vay tiền để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích thu hồi nợ.
Ngày 4/11, các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP tiến hành kiểm tra hành chính Văn phòng Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset (tại cao ốc H3, đường Hoàng Diệu, phường 6, quận 4, TP HCM).
Quá trình điều tra, xác minh, cảnh sát xác định Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam là công ty nước ngoài, có trụ sở chính ở Việt Nam tại quận 1, TP HCM do L.J. (quốc tịch Hàn Quốc) làm tổng giám đốc; được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép thành lập, có chức năng cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng.
Thủ đoạn của công ty này như sau, khi muốn vay tiền, khách hàng phải cung cấp thông tin cá nhân, thông tin người thân khi ký kết hợp đồng vay với công ty, lãi suất từ 4,58%/tháng, tương đương 55%/năm dưới hình thức trả góp hàng tháng.
Khi khách hàng đến hạn thanh toán, bộ phận thu hồi nợ sẽ chia khách hàng theo cấp độ thời gian nợ.
Đối với nhóm nợ 1-89 ngày, nhân viên dùng phần mềm để gọi nhắc nợ khách hàng và người thân với tính chất lịch sự, nhẹ nhàng, nhóm nợ 90-179 ngày, nhân viên cũng sử dụng phần mềm, nhưng điện thoại, nhắn tin thường xuyên, liên tục nhắc nhở khách hàng hoặc người thân tác động trả nợ.
Với nhóm nợ trên 180 ngày (chia thành 2 nhóm) sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo... để gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội nhằm gây sức ép buộc người vay tiền trả nợ.
Quá trình đấu tranh, thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người.
Tối 22/11, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tam Kỳ thực hiện Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Ngọc Hiếu, nhân viên Công ty luật TNHH MTV Legal Aplus về hành vi Vu khống theo Điều 156 Bộ luật Hình sự.
Một ngày trước, Cảnh sát kiểm tra hành chính Công ty luật TNHH MTV Legal Aplus chi nhánh Tam Kỳ, do anh Đỗ Huy Bình, 33 tuổi, trú thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai làm quản lý. Lúc này, có 25 nhân viên đang làm việc trên các máy tính để bàn. Người đại diện đã cung cấp một số giấy tờ sao y bản chính theo yêu cầu của lực lượng chức năng.
Vũ Ngọc Hiếu được xác định là nhân viên thu hồi nợ của công ty. Hiếu sử dụng không phép hình ảnh của nhiều người là con nợ và người thân, bạn bè của họ, lồng nội dung vu khống nhằm khủng bố, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ép họ trả nợ. Sau khi thu thập tài liệu, cảnh sát đã giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hiếu.
Để tự bảo vệ mình người dân bình tĩnh tìm ra những phương án phù hợp
Tuy nhiên, theo nhiều người, việc bắt hay truy tố các tổ chức “tín dụng đen” hoặc các đối tượng đòi nợ thuê cũng không khiến những đối tượng này “chùn chân”. Bởi việc cho vay qua app vốn là một thị trường cực béo bở cho các tổ chức tín dụng đen, thế nên việc đòi nợ bằng các biện pháp như nhắn tin, gọi điện chửi bới hoặc cắt ghép ảnh vốn là chuyện đi kèm.
Vậy làm thế nào để có thể xử lý câu chuyện này, khi mà lực lượng chức năng chưa thể dập hết vòi bạch tuộc của các tổ chức tín dụng đen này? Theo luật sư Nguyễn Thị Yến, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc nhắn tin, chửi bới đe dọa hoặc cắt ghép ảnh của người dân trong thời gian qua của các đối tượng đòi nợ đã có thể cấu thành tội vu khống.
Theo đó, điều 156 Bộ Luật hình sự 2015 quy định, vu khống là hành vi cố ý đưa tin hoặc cố ý loan truyền những thông tin không đúng sự thật với các nội dung xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của cá nhân nào đó. Mục đích của hành vi này nhằm làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của họ; từ đó trục lợi cho bản thân. Hành vi này được thể hiện qua nhiều phương thức khác nhau như: truyền miệng, đăng tin lên mạng xã hội; các thông tin đại chúng hoặc qua thư tố giác…
Với hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức, đối với 2 người trở lên… thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Cũng theo luật sư Yến, để tự bảo vệ mình, khi bị vu khống, người dân cần bình tĩnh để tìm ra những phương án phù hợp. Trong đó, một trong những lựa chọn tốt nhất đó chính là việc tìm đến các cơ quan chức năng để tố cáo về hành vi này.
“Theo điều 592 Bộ luật Dân sự, người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có trách nhiệm bồi thường các khoản chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế mà người bị vu khống bị mất hoặc giảm sút; ngoài ra phải bồi thường khoản tiền khác (do các bên thỏa thuận) để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.” – luật sư Yến cho biết thêm.
Giả danh nhân viên công ty tài chính đòi nợ như tín dụng đen | |
Dữ liệu cá nhân của 150.000 người bị Công ty tài chính mua bán trái phép |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại