Kỳ 3: Hãy cân nhắc kỹ trước khi đặt lệnh mua hàng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCơ quan chức năng vào cuộc
Hàng ngày, khi truy cập vào một số mạng xã hội như Zalo, Facebook…, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp nhiều tài khoản kinh doanh online với đủ các mặt hàng, từ thực phẩm chế biến sẵn, hàng đông lạnh, hải sản tươi sống, rau củ quả, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, không phải shop nào cũng bán hàng có uy tín, đảm bảo chất lượng. Đã có nhiều vụ lừa đảo xảy ra khi giao dịch thương mại điện tử vì sự “chốt đơn” thiếu tỉnh táo của người tiêu dùng.
Phòng Cảnh sát hình sự, CA TP Hà Nội vừa phối hợp với CA huyện Gia Lâm bắt giữ và di lý đối tượng Đỗ Thị Kim Ngân - còn gọi là Ngân "gốm" (SN 1985), trú tại thôn Giang Cao, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội từ Thanh Hóa về Hà Nội để phục vụ quá trình điều tra xử lý về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị can Đỗ Thị Kim Ngân (Ngân "gốm")- "bà trùm" lừa đảo trên mạng xã hội |
Lực lượng chức năng cho biết, thời gian qua, nhận được nhiều đơn thư của người dân cùng tố giác đối tượng sử dụng tài khoản Facebook “Ngân gốm” có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua việc đăng bán các sản phẩm đồ gia dụng, đồ điện tử và nhiều mặt hàng khác. Số tài sản Ngân “gốm” lừa đảo mỗi bị hại từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, gây bức xúc trong dư luận.
Tại cơ quan CA, bước đầu Ngân khai nhận khoảng năm 2018, Ngân thuê tạo lập trang mạng xã hội Facebook có tên Ngân “gốm” với mục đích sử dụng để đăng tải hình ảnh quảng cáo, rao bán các sản phẩm đồ gốm, đồ gia dụng, đồ điện tử... thu hút người mua. Trên thực tế Ngân không có hoạt động mua bán các loại sản phẩm hàng hóa như đã đăng mà chỉ tìm kiếm, lưu trữ những hình ảnh này trên mạng để rao bán “ảo” nhằm chiếm đoạt tài sản.
Sau khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người và nhận thấy ở lại Hà Nội sẽ bị bắt giữ, Ngân nhanh chóng bỏ trốn vào Thanh Hóa và thuê trọ tại khu vực phường Lam Sơn.
Lực lượng chức năng kiểm tra một kho hàng bán online “khủng” không hoá đơn, mỗi lần livestream chốt cả ngàn đơn |
Cũng trong thời gian qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CA TP HCM phối hợp với CA TP Thủ Đức bắt giữ Nguyễn Minh Phụng (trú tại TP Thủ Đức) về hành vi lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Phụng liên tục lên mạng xã hội Facebook, Zalo rao bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các loại dược phẩm, cung cấp giấy xét nghiệm Covid-19 để đi đường (600.000 đồng/tờ), đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin các loại (Pfizer 1.250.000 đồng/liều, AstraZeneca 1.080.000 đồng/liều). Sau khi các nạn nhân chuyển tiền, Phụng chặn liên lạc, chiếm đoạt tiền.
Cùng với đó, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATVSTP. Tuy nhiên, với các trường hợp bán hàng thực phẩm trên mạng không dễ xử lý vì họ thường dùng nhiều chiêu trò lách luật, tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Hãy là người tiêu dùng thông minh
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua nhận được nhiều phản ánh của người dân liên quan đến việc lừa đảo tiền, hàng khi giao dịch mua bán trên mạng. Lợi dụng việc đi lại, vận chuyển khó khăn, khoảng cách địa lý ở xa nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để sử dụng nhiều chiêu thức mua, bán hàng lừa đảo gây bức xúc trong cộng đồng.
Khi phát hiện bị lừa đảo, người mua hàng có thể tố giác tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc cơ quan công an để được bảo vệ quyền lợi |
Nếu mua hàng qua các mạng xã hội, bạn cần phải tìm hiểu kỹ các đánh giá của người mua trước, tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, xem xét về vấn đề nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý kiểm tra về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng, chỉ bán hàng online chứ không có cửa hàng cụ thể.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra một số cách nhận biết, khuyến cáo để người tiêu dùng cảnh giác trước những nhận xét có dấu hiệu là giả, không khách quan và đưa ra quyết định đúng đắn khi mua hàng: Nhận xét có nội dung không hợp lý cho thấy, sản phẩm, dịch vụ có giá rẻ nhưng chất lượng tương đương sản phẩm, dịch vụ cao cấp; nhận xét quá tiêu cực nhưng không đưa ra lý do... Đồng thời, nhận xét “nói quá lên”, khẩn thiết yêu cầu được mua thêm sản phẩm, dịch vụ.
Chúng ta có thể thấy, việc mua bán trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSTP và không an toàn trong giao dịch tài chính. Trên thực tế, tại nhiều chợ cư dân, các hàng kinh doanh thực phẩm online nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận ATVST hay thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được các cơ quan chức năng thẩm định.
Trong quá trình giao dịch thương mại điện tử, nếu cảm thấy bất an, bạn nên sử dụng hình thức thanh toán COD. Chỉ thanh toán qua ngân hàng khi biết rõ trang web đó uy tín. Những trang web uy tín thường có bảo mật khi bạn nhập thông tin. Bạn sẽ thấy hình ổ khóa ngay trước địa chỉ trang web. Bạn nên gọi điện thoại để xác nhận trước khi tiến hành chuyển khoản. Khi phát hiện bị lừa đảo, người mua hàng có thể tố giác tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan công an để được bảo vệ quyền lợi.
Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công thương. Các website phải cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thông tin về chủ sở hữu website (Tên đơn vị bán hàng, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế …); Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, thông tin về điều kiện giao dịch chung, các chính sách như đổi trả hàng và hoàn tiền, chính sách giao nhận, vận chuyển, thanh toán, bảo mật thông tin cá nhân người tiêu dùng. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: 1001 chiêu trò bịt mắt “thượng đế” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại