Thứ năm 31/10/2024 19:06
Đấu tranh với tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng

Kỳ cuối: Cảnh báo hệ lụy và hậu quả pháp lý

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do trên không gian mạng để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc… là vi phạm pháp luật, đều sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Công an Lâm Đồng làm việc với trường hợp đăng tải nội dung xuyên tạc. Ảnh: CQCA
Công an Lâm Đồng làm việc với trường hợp đăng tải nội dung xuyên tạc. Ảnh: CQCA

Hệ quả “vạ miệng” vì lạm quyền tự do ngôn luận

Thời gian qua, cơ quan Công an đã xử lý hàng nghìn trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe nên hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra. Điển hình như mới đây, ngày 12/10, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng CA TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã triệu tập, làm việc đối với 5 trường hợp đăng tải, phát tán nội dung sai sự thật, xuyên tạc về các hoạt động liên quan đến Đại hội khỏe và Hội thi lên mạng xã hội.

Theo đó, Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập ông N.Đ.T. (SN 1971, chủ tài khoản facebook N.T), ông B.V.T. (SN 1985) và ông V.M.N. (SN 1984), cùng trú TP Đà Lạt đã đăng tải nội dung xuyên tạc, sai sự thật lên mạng xã hội. CA tỉnh Lâm Đồng cũng đã phát hiện, làm việc với bà T.H. (SN 1982, quản trị trang I.Q.O.S Đà Lạt) có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về hoạt động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh CAND là “Dịch vụ cưỡi ngựa ngắm hồ Xuân Hương…”; ông M.Đ. (SN 1991, cùng trú TP Đà Lạt, đồng quản trị trang Thông Tin Đà Lạt). Theo CA tỉnh Lâm Đồng, những thông tin sai sự thật, xuyên tạc nêu trên là vi phạm pháp luật, trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của đại hội và hội thi, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức.

Đặc biệt có những vụ việc đã bị đưa ra xét xử, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với những đối tượng có hành vi đăng tải, đưa thông tin xấu độc lên mạng xã hội. Cụ thể, vào tháng 9/2023, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh tuyên án bà Nguyễn Phương Hằng 3 năm tù, Đặng Anh Quân 30 tháng tù và ba bị cáo còn lại bị tuyên 1 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại khoản 2 Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017... Ngoài ra, một số hành vi khác của bị cáo Nguyễn Phương Hằng có dấu hiệu phạm vào tội “Vu khống”, “Làm nhục người khác”,…theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, cũng bị xem xét.

Điều này để lại một bài học đắt giá cho những người sử dụng không gian mạng để nhục mạ người khác, bất chấp các quy định của pháp luật, văn hóa ứng xử và thuần phong mỹ tục.

Ngày 12/9/ 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Tập huấn về văn hóa ứng xử trên không gian mạng và một số biện pháp xử lý vi phạm trên không gian mạng. Ảnh: T.A
Ngày 12/9/2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Tập huấn về văn hóa ứng xử trên không gian mạng và một số biện pháp xử lý vi phạm trên không gian mạng. Ảnh: T.A

Cảnh báo những hành vi vi phạm

Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông A, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc đăng tải và lan truyền thông tin sai sự thật lên mạng internet, mạng máy tính, viễn thông thì hệ luỵ nhiều mặt sẽ tác động đến đời sống xã hội, là hành vi vi phạm pháp luật gây nhiễu loạn cuộc sống và là một trong những hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điểm d, đ khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018.

Trong dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực An ninh mạng có chế tài xử lý các tài khoản mạng xã hội có hành vi làm ra và phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật, xúc phạm, làm nhục, vu khống, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Tuy nhiên, chế tài và hình thức xử lý tương tự như Nghị định 15/2020/NĐ-CP. “Vì vậy, cần quy định mang tính chi tiết và chuyên ngành hơn tránh chồng chéo quy định xử phạt, tránh một hành vi nhưng các cơ quan không biết nên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào”, luật sư Đinh Thị Nguyên nêu quan điểm.

Nữ luật sư cho biết thêm, việc lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đã được điều chỉnh ở cả chế tài xử phạt vi phạm hành chính và chế tài xử lý hình sự nhưng để các quy định này đảm bảo được thực thi thì các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, phản ánh của cá nhân, tổ chức phải tổ chức giải quyết nhanh chóng, triệt để. Tránh kéo dài khiến người dân cho rằng các quy định được đặt ra nhưng không được áp dụng thực tế.

Đặc biệt, những hành vi bị cấm trên không gian mạng theo Điều 8, Điều 16, Điều 17 và Điều 18 của Luật An ninh mạng là đưa thông tin sai sự thật hoặc thu thập trái phép dữ liệu cá nhân, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân, vu khống, làm nhục, xúc phạm người khác, đưa thông tin bị cấm liên quan đến bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, bí mật gia đình lên không gian mạng. Nếu vi phạm Luật An ninh mạng thì tùy vào tính chất mức độ, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong những trường hợp đưa thông tin bị cấm lên không gian mạng như đưa thông tin bí mật đời tư cá nhân, thông tin bịa đặt, vu khống, những thông tin sai sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người nào phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi lộng ngôn, bôi nhọ uy tín, đăng tin xấu độc lên mạng xã hội, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự một trong các tội như: tội “Vu khống” (Điều 156, Bộ luật Hình sự); tội “Làm nhục người khác” (Điều 155, Bộ luật Hình sự); tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” (Điều 288, Bộ luật Hình sự); tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331, Bộ luật Hình sự); tội “Xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca” (Điều 351, Bộ luật Hình sự).
Kỳ 1: Nguy cơ bủa vây từ các thông tin xấu, độc
Kỳ 3: Quyết liệt chống tin xấu, độc trên không gian mạng
Kỳ 2: Trả giá đắt vì đăng thông tin thiếu căn cứ
Kỳ 4: Tăng cường xử lý hình sự là “vắc xin” chống tin xấu, độc
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động