Thứ sáu 29/03/2024 18:17
Để không bị “tiền mất tật mang” khi mua hàng online mùa giãn cách:

Kỳ 2: 1001 chiêu trò bịt mắt “thượng đế”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trên thực tế, các cửa hàng thực phẩm trực tuyến với ưu điểm hàng hóa đa dạng, phong phú, dễ lựa chọn, được ship tận nhà, tránh tiếp xúc gần nên nhiều người dân rất ưa chuộng. Bên cạnh những cửa hàng, nhà cung cấp đảm bảo chất lượng ATVSTP vẫn có nhiều địa chỉ bán hàng online tung các “chiêu trò” lừa đảo khách hàng.
Kỳ 1: Khách hàng “té ngửa” khi mua thực phẩm online Kỳ 1: Khách hàng “té ngửa” khi mua thực phẩm online

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã chọn hình thức mua, bán thực phẩm trực tuyến trên mạng. Tuy ...

Những “trái đắng” khách hàng nhận được

Trong thời gian giãn cách, nhiều khách hàng đặt mua thực phẩm qua mạng, nhiều kẻ lừa đảo đã yêu cầu khách chuyển tiền trước rồi biến mất hoặc giao các sản phẩm ôi thiu, không đảm bảo chất lượng ATVSTP, hình thức không đúng như quảng cáo.

Kỳ 2: 1001 chiêu trò bịt mắt “thượng đế”
Nhiều người bức xúc vì bị lừa khi mua thực phẩm online

Mới đây, có khoảng 300 nạn nhân phản ánh, họ đặt mua rau củ quả tài khoản Facebook Hữu Cơ Đà Lạt, bị chủ tài khoản này chiếm đoạt tiền cọc và không giao hàng, số tiền bị chiếm đoạt từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu đồng/người.

Chị D.T.H (tỉnh Hải Dương) cho biết, ngày 8-7, chị đặt mua rau củ, thịt cá trên trang này và chuyển khoản cho người nhận tên là Cao Thị Mỹ Linh, số tài khoản 05610… với số tiền 10,7 triệu đồng nhưng không được giao hàng, số điện thoại và Facebook bán hàng cũng đồng loạt khóa. “Tôi đã làm đơn trình báo với cơ quan CA để sớm tìm ra thủ phạm” - chị H nói.

Kỳ 2: 1001 chiêu trò bịt mắt “thượng đế”
Một trang bán hàng lừa đảo trên mạng.

Chị T.V, trú tại quận 3, TP HCM chia sẻ, cách đây vài ngày, chị thấy chủ tài khoản Facebook Hong Luu quảng cáo bán thịt heo, rau củ nên đặt mua. Chị V. được yêu cầu chuyển 1 triệu đồng vào ví điện tử MoMo đứng tên Nguyễn Thanh Sơn, số điện thoại 07925… Sau đó, tài khoản Facebook Hong Luu đổi tên thành Lozhong luu, chặn liên lạc với chị V. và cũng không giao hàng.

Hàng ngày, chúng ta thường gặp các shop tổ chức livestream bán hàng “chốt” hàng nghìn đơn. Người bán liên tục hô to tên người “chốt đơn” và nhấn mạnh “số lượng có hạn”. Điều đó, dễ gây tâm lý đám đông, thôi thúc khách nhanh chóng ra quyết định vì sợ bỏ lỡ cơ hội mua hàng.

Chiêu trò của các shop bán hàng online lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường. Không chỉ các khách hàng thiếu kinh nghiệm, nhiều người khá cẩn thận, tìm hiểu lượng người theo dõi, các bình luận phản hồi của khách hàng... vậy mà vẫn ôm “trái đắng”.

Lật tẩy các “chiêu trò” lừa đảo

Khi nói về những mánh khóe lừa đảo người tiêu dùng trong quá trình mua hàng online, chuyên gia bán lẻ Phạm Thái Bình cho biết: Các chủ kinh doanh online có nhiều chiêu trò nhưng chủ yếu tập trung vào một số cách thức nhất định.

Một trong những “tai nạn” thường gặp nhất là sản phẩm nhận được khác hẳn hình ảnh giới thiệu hoặc thua xa về chất lượng, độ tinh xảo hàng mẫu. Những kẻ gian thương đã lấy cắp hình ảnh từ các shop uy tín về đăng trên trang nhà mình. Sau đó, họ giao cho khách các sản phẩm kém chất lượng hoặc chiếm đoạt luôn tiền của khách hàng để thu lợi bất chính.

Kỳ 2: 1001 chiêu trò bịt mắt “thượng đế”
Chủ shop bán hàng online lừa đảo thường lập một lúc rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau.

Có nhiều vụ, khách hàng đã cùng nhau báo cáo, đánh sập tài khoản mạng xã hội của shop bán hàng lừa đảo. Thế nhưng, chủ shop bán hàng online lừa đảo thường lập một lúc rất nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau. Khi một tài khoản bị người tiêu dùng tố cáo, đánh sập, bọn chúng lập tức chuyển sang lừa đảo trên các tài khoản khác. Hầu hết các tài khoản đều được bỏ tiền mua lượng tương tác, người theo dõi để tăng độ tin cậy khi các “con mồi” tìm hiểu.

“Chốt đơn ảo” chính là một chiêu trò của các shop. Người bán liên tục hô to: “Đọc tên chị nào là sẽ chốt đơn cho chị ấy nha” và ném hàng sang một bên. Trên thực tế, số hàng đó được đội trợ lý gom lại quay vòng liên tục, bảng tên người chốt được chạy sẵn trước mặt để người đọc khỏi “vấp”.

Cũng trong màn livestream, khá nhiều shop sử dụng “chim mồi” là bạn bè, người thân vào đặt hàng như “đúng rồi” với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Chiêu này khá hiệu quả khi kích thích các khách hàng tiềm năng bị cuốn theo đà mua của các “chim mồi”.

Việc người tiêu dùng mua sắm trực tuyến đọc nhận xét trước khi mua là thói quen khá phổ biến, nhưng thực tế đã xuất hiện tình trạng đăng nhận xét giả (fake reviews). Nhận xét giả thường là những nhận xét tích cực về sản phẩm/dịch vụ mà chủ hàng đăng. Tình trạng này xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử, blog và mạng xã hội.

Người tiêu dùng sau khi đọc các nhận xét tích cực thường có tâm lý tin tưởng, sẵn sàng đặt cọc để mua hàng. Họ chỉ thực sự “té ngửa” vào giây phút nhận hàng. Khi quay lại phản hồi với chủ shop, khách hàng chỉ nhận được sự im lặng và bị chặn tài khoản, vĩnh viễn không thể liên lạc được.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) khuyến cáo: Người dân nên ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công thương.

Trong trường hợp mua hàng trên mạng xã hội, lựa chọn những tài khoản uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Hãy đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt, cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua.

(Còn nữa)

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động