Thứ ba 26/11/2024 21:08
Để không bị “tiền mất tật mang” khi mua hàng online mùa giãn cách:

Kỳ 1: Khách hàng “té ngửa” khi mua thực phẩm online

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã chọn hình thức mua, bán thực phẩm trực tuyến trên mạng. Tuy nhiên, khá nhiều người đã “té ngửa” khi giao dịch online mặt hàng thực phẩm.

Những đơn hàng “ối giời ôi”

Hiện nay, Hà Nội đang trong những ngày giãn cách, nhiều người dân ngại đi chợ theo phiếu, đến siêu thị cũng sợ lây bệnh vì môi trường không gian kín. Do đó, họ đã chọn cách mua thực phẩm trên các chợ online hoặc các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã “té ngửa” vì nhận được những sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP.

Chị Thu Thương, trú tại quận Hai Bà Trưng đặt mua 240.000 đồng thịt lợn và sườn. Khi người bán chuyển đến, chị mang đi sơ chế thì phát hiện thịt lợn bốc mùi ôi. Chị gọi điện thoại cho người bán thì nhận được câu trả lời: “Chị cho em xin lỗi. Vì em thịt lợn từ hơn 2g rồi chia thành các túi mang đi ship cho mọi người. Khi đến nhà chị thì đã là buổi trưa nên thịt lợn hơi có mùi”. Tuy xin lỗi như vậy, nhưng người bán cũng không có động thái đền bù cho chị Thu Thương. Điều này khiến chị Thương không hài lòng và buộc phải tìm một địa chỉ cung cấp thực phẩm khác.

Kỳ 1: Khách hàng “té ngửa” khi mua thực phẩm online
Các trang bán hàng thực phẩm online luôn có giao diện bắt mắt người mua hàng

Chị Kim Thúy, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, mua ngan của một trang bán hàng trên mạng với mức giá 130.000 đồng/kg. Với mức giá này, chị thấy cao hơn bình thường nhưng được miễn phí ship nên chị đặt 2 con cho nhà mình và nhà cô em chồng. Khi shipper mang ngan đến, chị kiểm tra thì thấy thịt ngan mềm nhũn, có mùi hôi. Chị lập tức gọi điện cho người bán hàng để phản ánh, lời qua tiếng lại khá lâu. Chỉ đến khi chị tuyên bố sẽ đăng đàn “bóc phốt” cửa hàng lên mạng thì người bán mới chuyển khoản trả lại chị một nửa số tiền.

Tương tự như vậy, anh Việt Anh, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, đặt mua trứng vịt và trứng gà ta trên một nhóm bán hàng của chung cư. Khi nhận trứng, vợ anh đập ra để nấu ăn thì đến 4 quả trứng vịt có mùi. 3 quả trứng gà bị loãng lòng. Khi anh liên lạc với người bán hàng thì nhận được lời xin lỗi với lý do trời nắng nóng, vận chuyển xa. Nghĩ là số tiền cũng không quá lớn nên gia đình anh đành chấp nhận nhưng cảm thấy rất khó chịu về việc này.

Kỳ 1: Khách hàng “té ngửa” khi mua thực phẩm online
Khách hàng cần nhận biết rõ và sử dụng thực phẩm tươi ngon.

Chị Hà Vy, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, chị mua bánh bao của một hàng chuyên bán đồ ăn sáng. Khi bánh đưa tới vẫn còn nóng, gia đình chị ăn vài miếng thì phát hiện ra nhân khô cứng, có mùi lạ. Chị lập tức dừng không ăn nữa, vậy mà sau đó 30 phút vẫn bị ngộ độc, tiêu chảy một ngày một đêm. Sau khi tìm hiểu thì chị được biết, người bán đã nhập một số lượng lớn bánh bao đã hấp qua 1 lần, cất trong ngăn đá để bán dần cho khách trong thời gian giãn cách. Khi hấp lên, tuy vỏ bánh có mềm, nóng, nhưng nhân đã bị hỏng.

Mua sỉ cũng “khóc dở mếu dở”

Không chỉ khách hàng mua lẻ mua phải hàng hóa kém chất lượng, những người buôn sỉ cũng khóc dở mếu dở với việc buôn bán trong tình hình dịch. Anh Vũ Hưng, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, đặt mua sỉ sầu riêng qua mạng với số tiền lên đến 10 triệu đồng. Khi nhận hàng, sầu riêng cuống thâm xì, ruột trắng ởn nên không bán được, khách liên tục trả lại hàng. Do lo sợ bị khách phản ánh và tẩy chay không mua hàng nữa nên anh liên tục nhắn tin, gọi điện với người bán qua zalo để mong có cách giải quyết, đền bù thích hợp. Ban đầu, anh còn nhận được vài câu trả lời qua loa, sau đó, người bán chặn luôn số điện thoại của anh. Vì quá bức xúc nên anh đã chụp màn hình tin nhắn và tên tuổi người bán đăng lên mạng “bóc phốt”.

Chị Phạm Lưu, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết, gia đình chị vốn có quầy hàng bán các loại rau, củ, quả. Mọi khi, chị vẫn thường ra các chợ đầu mối để trực tiếp lựa chọn, nhập hàng. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh và giãn cách nên chị phải gọi mua qua mạng. Thế nhưng, nhiều hôm, chủ đầu mối đưa đến cho chị rau củ quả kém chất lượng.

Nhãn rời rụng khỏi cành, nhiều quả thâm, ướt. Dưa hấu vỏ vẫn cứng, xanh nhưng trong ruột bị ủng, nẫu, chị đã bị một số khách trả lại hàng với lời trách móc nặng nề. Các loại rau củ dập nát nên phải loại đi khá nhiều, lãi chẳng còn được bao nhiêu. Khi phản ánh với đầu mối, chị chỉ nhận được những câu xin lỗi qua quýt hoặc im lặng.

Kỳ 1: Khách hàng “té ngửa” khi mua thực phẩm online
Hãy thận trọng khi kiểm tra chất lượng thực phẩm mua bằng hình thức online.

Một số cửa hàng bán chè, đồ ăn sẵn như pa-tê, cháo lòng, đồ ăn vặt, các loại bánh,... cũng bị khách hàng phản ánh chê trách vì chất lượng đi xuống mà giá cả lại đội lên cao so với ngày thường. Trên thực tế, chủ các cửa hàng cũng lao đao vì nguồn nguyên liệu thu hẹp, chất lượng thấp so với việc đi mua trực tiếp như trước. Điều đó dẫn đến những bất cập trong việc đảm bảo chất lượng cũng như giá cả.

Dịch bệnh đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ khách hàng nhỏ lẻ mà đến cả các khách hàng mua sỉ. Những đơn hàng không đảm bảo ATVSTP dẫn đến bức xúc cho khách hàng và kéo theo nhiều hệ lụy vẫn liên tục xảy ra ở mọi nơi.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ban hành công văn số 1632/ATTP-NĐTT ngày 26-8-2021 quy định về việc bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

(Còn nữa)

Xuân Thanh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động