Thứ năm 21/11/2024 00:30
Một năm Quốc hội sáng đèn vì “quốc kế dân sinh”

Kỳ 2: Những quyết sách mở rộng "lưới an sinh", vì người yếu thế

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khoá XV năm 2024 được cử tri, Nhân dân đánh giá cao về chất lượng và nội dung kỳ họp. Theo đó, hai kỳ họp có khối lượng công việc "khổng lồ", nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ tới nay…
Kỳ 2: Những quyết sách mở rộng
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quốc hội

Sửa đổi luật để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Theo đó, hàng loạt các bộ Luật được sửa đổi, bổ sung với nhiều những chính sách nhằm mở rộng lưới an sinh và giải quyết căn cơ gốc dễ những bất cập của người lao động.

Cụ thể, sáng 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội.

So với Luật BHXH 2014, Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn nhằm mở rộng lưới an sinh như: mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia BHXH, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn triển khai thực hiện Luật BHXH 2014; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH…

Trước đó, trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, với nội dung được nhiều người quan tâm, về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, tuy có quy định về việc hưởng BHXH một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận BHXH một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Kỳ 2: Những quyết sách mở rộng
Sáng 29/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp; tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động,...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững; đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về bảo hiểm xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, của tổ chức thực hiện chính sách…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 9 nhóm điểm mới, trong đó có những nhóm điểm mới được cử tri quan tâm như mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHXH như giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản; đơn giản hóa thủ tục hành chính về BHXH giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và về đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH …

Kỳ 2: Những quyết sách mở rộng
Người lao động mưu sinh tại chợ hoa quả Long Biên, Hà Nộ. Ảnh: Khánh Huy

Sau khi Luật BHXH mới được bấm nút thông qua, nhiều cử tri bày tỏ sự vui mừng, cử tri cho rằng, Luật BHXH 2024 sẽ giải quyết nhiều vướng mắc của Luật BHXH năm 2014. Ông Nguyễn Đức Đạo, cử tri xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, vấn đề quan trọng mà ông quan tâm trong Luật BHXH sửa đổi là việc giảm điều kiện thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu và mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

"Việc giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm khi đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng chế độ hưu trí là một bước đột phá, giúp cho người lao động lớn tuổi như chúng tôi an tâm là sẽ được hưởng hưu trí khi tham gia BHXH bắt buộc" – ông Nguyễn Đức Đạo nói. Đồng thời ông cho rằng, việc giảm thời gian đóng BHXH sẽ khiến nhiều người lao động có cơ hội hưởng chế độ hưu trí. Từ đó, họ yên tâm làm việc và yên tâm hơn khi tham gia BHXH.

Quan tâm đến các nhóm đối tượng mở rộng được tham gia BHXH bắt buộc, luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bày tỏ, mở rộng thêm 5 nhóm đối tượng được tham gia BHXH bắt buộc đã giúp độ bao phủ của mạng lưới an sinh rộng hơn rất nhiều.

Bởi, khi các nhóm như chủ hộ kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố… tham gia BHXH bắt buộc thì sẽ có thêm 3 triệu người tham gia mạng lưới an sinh, nâng tổng số người tham gia BHXH lên con số hơn 21 triệu người. "Nếu nói BHXH là trụ cột an sinh xã hội thì diện bao phủ càng rộng, người tham gia BHXH càng nhiều thì an sinh xã hội mới bền vững, cuộc sống của nhân dân mới đảm bảo” - luật sư nêu.

Đánh giá về Luật BHXH mới, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá, các chính sách của Luật BHXH đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, như bổ sung chế độ thai sản, tử tuất, giảm điều kiện về số năm đóng BHXH… nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Những chính sách này sẽ tạo sức hấp dẫn với lao động trong khu vực phi chính thức, đặc biệt là chị em phụ nữ…

Tuy Luật BHXH 2024 có quy định về việc hưởng BHXH một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mong muốn người lao động yêu cầu nhận BHXH một lần, người lao động cần tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm an sinh xã hội lâu dài.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết sức lưu ý Chính phủ trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để hỗ trợ người lao động tham gia BHXH gặp khó khăn trước mắt trong cuộc sống như có chính sách tín dụng phù hợp. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động...) để duy trì ổn định việc làm, thu nhập, tư vấn, kết nối, hướng nghiệp, đào tạo, chuyển nghề để người lao động có việc làm bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hàng tháng và những bất lợi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và thực hiện chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về BHXH của cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách…

Kỳ 2: Những quyết sách nhằm mở rộng lưới an sinh
Kỳ họp thứ 7, sáng 29/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Kết quả biểu quyết cho thấy, có 454/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này (chiếm 93,42%). Ảnh: Quốc hội

Sửa đổi luật đã bảo vệ được người yếu thế và quan tâm đến người nghèo

Thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 4/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, có khoảng 33 triệu lao động tự do trên tổng số 52 triệu lao động, chiếm hơn 65% tổng số lao động trong cả nước. Tuy nhiên, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào các nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương. Hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH chiếm 97.9%.

Mặc dù có nhiều chính sách và giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ đối tượng này nhưng đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhận thấy, đa phần trong số này chưa tiếp cận với các điều kiện về an sinh xã hội, chưa được ký hợp đồng, chưa được tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) hay BHXH…

Đại biểu chỉ rõ nguyên nhân là do lao động phi chính thức, lao động tự do di chuyển liên tục, chỗ ở không ổn định, vì thế nhiều lao động khó đóng bảo hiểm tự nguyện được; việc đăng ký BHYT ở một nơi nhưng khám bệnh lại ở nơi khác, do đó việc khám chữa bệnh rất khó khăn. Cùng với đó theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gần 70% lao động trong độ tuổi chưa được thu thập thông tin về việc làm khiến họ khó tiếp cận và tận hưởng các chính sách xã hội…

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy kiến nghị cần có giải pháp cập nhật, quản lý dữ liệu thông tin về lao động phi chính thức, trên cơ sở đó đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng ưu tiên về chính sách được hưởng trong Luật BHYT (sửa đổi) lần này. Đồng thời cần đánh giá kỹ hơn số liệu doanh nghiệp thành lập mới cũng như doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động.

Ngoài ra, cần đề ra các giải pháp cụ thể lao động phi chính thức, nhất là các lao động phi chính thức dịch chuyển tạm thời khi mất việc làm tại các thành phố lớn, các doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động và ngược lại. Trên cơ sở đó có sự phân tích và có giải pháp cụ thể cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp, các chính sách hỗ trợ cụ thể, hỗ trợ họ tự nguyện tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ.

Kỳ 2: Những quyết sách mở rộng
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: Quốc hội

Tại Kỳ họp thứ 8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được trình Quốc hội cho ý kiến trước khi bấm nút thông qua. Một trong những điểm mới Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân là bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.

Thảo luận về quy định này, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Quy định như dự thảo luật nhằm đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHYT.

Góp ý vào dự thảo Luật, nhiều đại biểu nhất trí với đề xuất thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, giúp giảm lãng phí về thời gian, công sức và tiền bạc của người bệnh. Bởi nhiều bệnh hiểm nghèo, khó chữa trị ở tuyến ban đầu nhưng vẫn bắt buộc phải khám ở tuyến cơ sở.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, có quy định về các giải pháp để tránh lãng phí và bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT.

“Trong thời gian qua, danh mục thuốc của BHYT do Bộ Y tế ban hành nhưng thực tế thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, để đảm bảo được sự công bằng của người đi khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ và người đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tôi đề nghị Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu, đánh giá quy định hiện hành về danh mục thuốc BHYT, trường hợp có vướng mắc tháo gỡ và tháo gỡ kịp thời để đáp ứng được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế”, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị.

Đánh giá cao trong lần sửa đổi luật lần này đã bảo vệ được người yếu thế và quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc xóa bỏ địa giới hành chính có ý nghĩa quan trọng, đây cũng là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện theo định hướng đó, nhằm bảo vệ người dân và nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa nơi mà y tế cơ sở còn yếu.

Kỳ 2: Những quyết sách mở rộng
Tại Kỳ họp thứ 8, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được trình Quốc hội cho ý kiến trước khi bấm nút thông qua. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đinh Văn Thê, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đề nghị bổ sung vào Điều 31 nội dung quy định về các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác. Người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi người bệnh ra viện; tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.

Khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật BHYT trình Quốc hội tại Kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cũng đề nghị bổ sung nhóm đối tượng người cao tuổi vào nhóm ngân sách Nhà nước đóng BHYT. Thực tế, vẫn thiếu hụt chính sách về hỗ trợ BHYT đối với nhóm người cao tuổi.

Về hướng xử lý đối với trường hợp có thẻ BHYT phải tự mua thiết bị y tế thuộc danh mục BHYT chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh không thể cung cấp, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT phải tự mua thuốc, thiết bị y tế thuộc danh mục BHYT chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh thiếu thuốc hoặc thiếu thiết bị y tế nếu không thể cung cấp cho người bệnh.

Đại biểu cho rằng, đây là thực trạng diễn ra trong suốt thời gian qua, nhất là giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19, làm tăng chi phí y tế từ tiền túi của người bệnh. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định trong dự thảo Luật về cơ chế xử lý đối với trường hợp này để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Kỳ 2: Những quyết sách nhằm mở rộng lưới an sinh
Nguồn infographic: tapchibaohiemxahoi.gov.vn

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 với14 nội dung mới trọng tâm

Cụ thể: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia, bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; đóng BHXH tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu, Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần; bảo đảm quyền tham gia và thụ hưởng BHXH với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả đầu tư Quỹ BHXH; bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung; quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”; quy định rõ về quản lý thu, đóng BHXH; quy định giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH; sửa đổi, bổ sung quy định của các chế độ BHXH phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người lao động.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Cuộc sống bấp bênh của lao động phi chính thức Kỳ 1: Cuộc sống bấp bênh của lao động phi chính thức

Công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh… nhiều người dân lao động sau Covid-19 đang đối diện với một cuộc sống về già ...

Minh Dương - Hoa Đỗ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động