Thứ năm 09/05/2024 22:56
Dự án đường Vành đai 4 - bệ phóng quan trọng phát triển Vùng Thủ đô:

Kỳ 2: Những thách thức trong quá trình triển khai dự án

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngay từ khi được được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã được nhận định sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi triển khai, đặc biệt là những khó khăn về giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường tái định cư và bảo đảm tính khả thi của BOT trong mô hình PPP.
Kỳ 2: Những thách thức trong quá trình triển khai dự án
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh Thanh Hải

Khó khăn lớn nhất là công tác GPMB

Theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư: Đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Về nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. GPMB toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng.

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, khó khăn lớn nhất là công tác GPMB. Kinh nghiệm cho thấy về GPMB, chắc chắn việc GPMB không được phép chia nhiều lần vì các thời kỳ bồi thường, hỗ trợ tái định cư khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng bất khả thi. Đây là bài học kinh nghiệm.

Thứ hai, để bảo đảm tính khả thi của BOT trong mô hình PPP là khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều dự án PPP - BOT phải chuyển đổi sang đầu tư công đáp ứng với từng thời kỳ khôi phục, phát triển của nền kinh tế. Nhưng Hà Nội được sự hỗ trợ của Chính phủ, quyết tâm triển khai dự án này theo hình thức PPP.

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP cũng đã chia sẻ phần doanh thu tăng giảm, khả năng thu phí kín của vành đai đặc trưng theo km. Hay như Vành đai 4 cũng có tính hấp dẫn riêng có để bảo đảm phát triển. Đây là điều kiện để bảo đảm tính khả thi nhưng cũng là một khó khăn đối với Vành đai 4.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, cho đến nay, dự án đã phê duyệt và thu hồi đất được 537,270/798,043 ha, đạt 67,32% (huyện Sóc Sơn 46,00/48,23 ha; huyện Mê Linh 114,30/145,66 ha; huyện Đan Phương 30,73/74,80 ha; huyện Hoài Đức 138,30/239,63 ha; quận Hà Đông 51,14/68,25 ha; huyện Thanh Oai 59,31/86,94 ha; huyện Thường Tín 97,49/134,54 ha).

Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn TP Hà Nội là 4286,00 tỷ đồng (huyện Sóc Sơn 229,00 tỷ đồng; huyện Mê Linh 569,0 tỷ đồng; huyện Đan Phượng 348,45 tỷ đồng; huyện Hoài Đức 1.436,1 tỷ đồng; quận Hà Đông 671,15 tỷ đồng; huyện Thanh Oai 374,53 tỷ đồng; huyện Thưởng Tin 602,29 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, dự kiến tháng 6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng để khởi công dự án, bàn giao 100% mặt bằng trước 31/12/2023.

Đối với dự án thành phần 2 sẽ tổ chức lựa chọn xong nhà thầu và khởi công 4 gói thầu trước 30/6/2023. Về công tác thẩm định dự án thành phần 3, UBND TP Hà Nội trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã hoàn thành vào 5/6/2023.

Kỳ 2: Những thách thức trong quá trình triển khai dự án
Người dân xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đến UBND xã nhận bồi thường hỗ trợ GPMB

Sự vào cuộc quyết liệt

Để có được kết quả trên, Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp như, thứ nhất tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập. Các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và các dự án đường cao tốc nói riêng là các dự án có quy mô lớn, đi qua nhiều địa bàn, khối lượng GPMB lớn.

Với dự án đường Vành đai 4, để có thể GPMB sớm, TP Hà Nội đã đề xuất và được cấp có thẩm quyền chấp thuận tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập.

Ưu điểm của giải pháp này là giúp việc GPMB không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc. Có thể triển khai sớm công tác GPMB ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt, bảo đảm việc GPMB đi trước một bước.

Thứ hai, TP triển khai đồng thời một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện. Hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật bảo đảm phù hợp với dự án đầu tư được duyệt.

Bên cạnh đó, Hà Nội rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện GPMB khu tái định cư (nếu có).

Thứ ba, căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013), TP Hà Nội ứng vốn cho bồi thường, GPMB; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện GPMB, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hằng năm.

Thứ tư, để tăng tính chủ động của địa phương, TP đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho các quận, huyện có tuyến Vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương.

Công tác đền bù, GPMB không thể không nhắc tới sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội. Tại Nghĩa trang mới của xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn có diện tích 2ha, dự kiến đến cuối năm 2023 mới xong công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, nhờ sự tuyên truyền, vận động tích cực của mặt trận và các tổ chức chính trị, cùng sự ủng hộ của các hộ dân và sự đồng thuận của các dòng họ, gia đình, ngay từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, hơn 570 ngôi mộ thuộc phạm vi GPMB dự án đường vành đai 4 đã hoàn thành di chuyển về nghĩa trang mới.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thường Tín Lê Tuấn Dũng chia sẻ, công tác đền bù GPMB của huyện đạt kết quả tốt là nhờ xác định công tác tuyên truyền, dân vận phải đi trước một bước, trong đó Trưởng ban Công tác Mặt trận phải là những người tham gia đầu tiên. Tại huyện Thường Tín, trước Tết Nguyên đán Quý Mão, huyện đã bồi thường, di chuyển 1.771 ngôi mộ. Khi thực hiện nội dung này, MTTQ huyện phối hợp Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện, nhà chùa cùng vào cuộc để bảo đảm yếu tố tâm linh và ý nghĩa khi di chuyển cho nên kết quả đạt được ngoài mong đợi.

Tại Hà Nội, dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua 7 quận, huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Ðức, Ðan Phượng, Hà Ðông, Thanh Oai, Thường Tín. Bám sát Chỉ thị 16 của Thành ủy, Thông tri 04 của MTTQ TP, MTTQ 44 xã, phường có dự án Vành đai 4 đi qua đã chủ động tăng cường, linh hoạt phương thức tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận trong Nhân dân sớm bàn giao mặt bằng cho dự án.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết, hằng tháng, Ủy ban MTTQ TP đều tổ chức giao ban để nắm bắt tình hình dư luận Nhân dân, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, trong đó, có nội dung về Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền và định hướng dư luận xã hội. Thành viên MTTQ các cấp cũng tham gia Ban Chỉ đạo triển khai Dự án, Tổ công tác tuyên truyền; phối hợp Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện và Ban Chỉ đạo xã, phường trong tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, công tác GPMB là lĩnh vực khó nhất, phức tạp nhất khi triển khai mỗi dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, khi khối lượng di dời GPMB rất lớn.

Ban Dân vận Thành ủy và Ban Dân vận 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 đi qua đã vào cuộc ngay từ những ngày đầu trong công tác GPMB. Ban Dân vận Thành ủy đã làm việc với Ban Dân vận các quận, huyện để xây dựng kế hoạch, triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động Nhân dân để Nhân dân hiểu và nắm rõ được chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong thực hiện dự án trọng điểm quốc gia. Đồng thời, Ban Dân vận Thành ủy và Ban Dân vận các quận, huyện đã tăng cường công tác nắm tình hình Nhân dân trong quá trình GPMB dự án; đôn đốc chính quyền quan tâm tổ chức đối thoại, tọa đàm, giải đáp những kiến nghị, đề xuất của người dân liên quan đến công tác GPMB…

Là một trong những huyện được TP gửi thư khen về công tác GPMB, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Oai cho biết, nhận thức rõ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và TP, vì vậy, ngay từ những ngày đầu, Ban Dân vận Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập tổ công tác tuyên truyền, gồm cán bộ khối vận cấp huyện, cấp xã và tổ dân vận thôn. Nhiệm vụ của tổ công tác tuyên truyền là nắm bắt tình hình hằng ngày, hằng tuần, trên cơ sở đó tham mưu các giải pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân, đảm bảo tiến độ công tác GPMB của dự án.

(Còn nữa)

Kỳ 1: Vai trò trọng điểm quốc gia của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Kỳ 1: Vai trò trọng điểm quốc gia của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn giúp tăng kết nối, tạo thêm ...

Thái Phương - An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động