Kỳ 1: Vai trò trọng điểm quốc gia, cụ thể hóa Nghị quyết XIII của Đảng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Đồ họa: TK |
Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay
Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội ban hành tháng 6/2022 đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm của quốc gia, là một công trình, một sản phẩm cụ thể hóa quyết tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khát vọng thể hiện ý chí vươn lên xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Dự án có tổng chiều dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài-Hạ Long). Điểm đầu của Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Dự án qua địa phận TP Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km), Bắc Ninh (dài 25,6km) và tuyến nối (dài 9,7km). Mặt cắt ngang hoàn thiện rộng từ 90 đến 135m, trong đó, đoạn không có đường sắt song hành rộng 90m, đoạn thông thường có đường sắt song hành rộng 120m, đoạn đi ngoài đê sông Đáy rộng 135m. Tổng mức đầu tư dự án là 85.813 tỉ đồng.
Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm bảy tuyến cao tốc: Hà Nội-Lào Cai; Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đại Lộ Thăng Long; Nội Bài-Bắc Ninh. Bảy tuyến cao tốc này tạo nên bốn hành lang kinh tế rất quan trọng khu vực phía Bắc là: Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh; Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; Lạng Sơn-Bắc Giang-Hà Nội; Hà Nội và Thái Nguyên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Hà Nội nói riêng và Vùng Thủ đô cũng như khu vực Bắc Bộ nói chung.
Điều đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3-tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này.
Hiện nay, cả 7 tuyến cao tốc kết nối bốn hành lang kinh tế Bắc Bộ đều lấy Thủ đô làm tâm, hướng vào Vành đai 3 Hà Nội. Nhu cầu vận tải liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi phía Bắc, phía Tây và ngược lại, quá cảnh Hà Nội chủ yếu đều thông qua tuyến này. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng quá tải với mật độ lưu lượng giao thông cao gấp khoảng 2,5 lần so với thiết kế của Vành đai 3, tất yếu hình thành những điểm nghẽn trong chuỗi lưu thông của cả Vùng Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thực hiện dự án Vành đai 4 là nhiệm vụ chính trị được Trung ương giao phó cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng Hà Nội quyết tâm làm.
Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng bấy lâu nay.
Dự án khi hoàn thành sẽ giúp giải quyết nhiều vướng mắc đang đặt ra của Thủ đô, nhất là giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, khắc phục nạn ùn tắc đang rất khó khăn. Đồng thời cũng mở rộng không gian phát triển cho Thủ đô, Vùng thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Hướng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Nguồn: UBND TP Hà Nội |
Góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước
Thực tế hiện nay, các tuyến đường từ Vành đai 3 đổ lại, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra tại các tuyến đường cửa ngõ và trung tâm Thủ đô, nhất là các dịp nghỉ lễ, Tết khi nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách tăng vọt, tạo nên những điểm ách tắc lớn với thời gian kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Do đó Vành đai 4 được xây dựng và hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới. Tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, đặc biệt là Vành đai 3; tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước.
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) đánh giá, một trong những “điểm nghẽn” là liên kết vùng, mà các tuyến đường cao tốc, giao thông kết nối là điểm rất quan trọng để tháo gỡ, thúc đẩy liên kết vùng. Vì thế, dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa với địa phương mà tạo ra kết nối trong cả nước. Việc đột phá bằng dự án Vành đai 4 để giải toả giao thông trong vùng lõi là vô cùng cần thiết.
Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội, phân giải mạnh mẽ áp lực cho Vành đai 3 hiện đang quá tải về mật độ giao thông.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Đoàn tỉnh Hưng Yên) cho rằng, tỉnh Hưng Yên và TP Hà Nội giáp ranh với nhau nhưng việc kết nối giữa hai địa phương lại chưa thuận lợi, tốn thời gian, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế cũng như giao lưu về văn hóa và các lĩnh vực khác. Song, với sự ra đời của đường Vành đai 4 thì Hưng Yên được ví như “hổ mọc thêm cánh”. Lúc ấy thì việc lưu thông giữa Hà Nội và “xứ nhãn lồng” sẽ được rút ngắn đáng kể cả về khoảng cách lẫn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các khu cụm, công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong việc tiếp nhận các nhà đầu tư đến từ Thủ đô. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đó, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành các liên kết kinh tế gắn bó chặt chẽ hơn giữa Hưng Yên với Hà Nội nói riêng và các tỉnh, TP khác nói chung.
Đề cập việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tốt nhất để đường vành đai sử dụng được khoảng 100 năm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ, cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước. Vì vậy, phải làm cho hiệu quả, chất lượng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do con đường giúp kết nối nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…, để các tỉnh thành, cùng gắn kết và phát triển.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Thanh Hải |
Theo phân tích của các chuyên gia, có thể thấy rõ, Hà Nội đang chịu áp lực rất lớn khi đảm nhiệm vai trò phân bổ, trung chuyển các luồng lưu thông của Vùng Thủ đô mà thiếu đi những mảnh ghép hạ tầng giao thông khung có tính quyết định. Ngoài ra, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới cực kỳ tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội) cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh... sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai.
Khi Vành đai 4 - Vùng Thủ đô hình thành, hàng loạt điểm “đen” ùn tắc giao thông của Hà Nội sẽ được giải quyết như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5… Đặc biệt, sân bay Nội Bài - cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistic cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội.
Vệc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP Hà Nội mà còn của các tỉnh, TP liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung. Do đó, việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 là hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế-xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị ở các tỉnh, thành phố trong vùng, giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở nên dễ dàng. Từ đây, một hành lang kinh tế rộng khắp sẽ mở ra, lấp đầy khoảng trống về địa lý, hình thành chuỗi liên kết kinh tế, gắn bó chặt chẽ từ vùng núi đến đồng bằng.
(Còn nữa...)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại