Thứ hai 20/05/2024 23:39

Hệ thống đường sắt đô thị phải là "xương sống" của giao thông công cộng Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho rằng, để giải quyết vấn đề quá tải về giao thông tại Hà Nội, cần rà soát đánh giá quy hoạch chung của Thủ đô trong thời gian tới để tạo tiền đề cho các dự án chiến lược, căn cơ trong phát triển giao thông đô thị.
Theo các chuyên gia, quy hoạch Thủ đô cần lấy “xương sống” là giao thông. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm, xây dựng đường vành đai, hướng tâm, qua tâm hiện đại. Ảnh: Khánh Huy
Theo các chuyên gia, quy hoạch Thủ đô cần lấy “xương sống” là giao thông. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm, xây dựng đường vành đai, hướng tâm, qua tâm hiện đại. Ảnh: Khánh Huy

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hệ thống hạ tầng của Thủ đô Hà Nội đang gánh khoảng 7,9 triệu phương tiện (trong đó, 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy và 0,2 triệu xe điện). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2022 là trên 10%/năm đối với ô tô, trên 3%/năm đối với xe máy. Việc quá tải về giao thông tại Hà Nội còn được thể hiện qua các con số như: cầu Thanh Trì có 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế. Các tuyến đường: Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng..., vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện cũng vượt khoảng 1,8 lần so với lưu lượng thiết kế.

Hay một số tuyến đường như tuyến đường cầu hầm chui Trung Hòa, thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm khoảng 7h - 8h. Nút Ngã Tư Sở lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Tương tự, tình trạng tắc đường diễn ra tại nhiều tuyến đường khác như: Lê Văn Lương, Tố Hữu, ngã tư Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, Vành đai 2.5, Vành đai 3.

Trong khi đó, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị đạt khoảng 10,3% (yêu cầu của Quy hoạch số 519 là từ 20 - 26%), tỉ lệ tăng bình quân hằng năm mới đạt 0,26 - 0,3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 2,48%/năm.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho rằng, để giải quyết vấn đề quá tải về giao thông tại Hà Nội, thì cần rà soát đánh giá quy hoạch chung của Thủ đô trong thời gian tới để tạo tiền đề cho các dự án chiến lược, căn cơ trong phát triển giao thông đô thị.

“Cần đặc biệt quan tâm phát triển đường sắt đô thị, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ về công nghệ. Tăng cường sử dụng vận tải đường thủy nội địa, khai thác du lịch, vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ” - ông Đỗ Việt Hải nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, giao thông Hà Nội đang tiếp cận xu thế hiện đại của thế giới. TP Hà Nội cũng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển giao thông hiện đại. Qua đó, để phát triển giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội cần phân bổ thực hiện quy hoạch rõ ràng, cụ thể từng năm và đưa ra chỉ tiêu cụ thể.

"Hà Nội cần chú trọng vai trò trách nhiệm cộng đồng vào phát triển giao thông. Quy hoạch Thủ đô cần lấy "xương sống" là giao thông. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm, xây dựng đường vành đai, hướng tâm, qua tâm hiện đại" - ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đỗ Xuân Trường - Phó Giám đốc trung tâm 3, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, đô thị trung tâm Hà Nội có dạng lưới, đường cấp đô thị gồm các tuyến đường hướng tâm và vành đai. Hệ thống đường sắt đô thị phải là "xương sống" của giao thông công cộng Hà Nội với yêu cầu đáp ứng trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. Đây cũng là cơ sở để tổ chức giao thông…

Ông Trần Danh Lợi - Phó Chủ tịch hội Cầu đường Hà Nội cho biết, cần có giải pháp đặc biệt cho giao thông Hà Nội. Hiện tại, đa số các giải pháp chỉ mang tính ứng phó, chưa lâu dài. Cần hướng tới quy hoạch giao thông theo ô bàn cờ. Mỗi quận, huyện nên có một cốt để các nhà xây dựng căn cứ vào đó để làm ngưỡng thiết kế cho tất cả công trình, giải quyết vấn đề thoát nước cho đường phố. Hướng tới việc các đầu mối, trung tâm hành chính phải nằm ở vành đai, hiện nay đa số nằm trong đô thị. Xác định đô thị ở đâu để có sự ưu tiên, tập trung cho giao thông công cộng.

Người tham gia giao thông thêm lựa chọn thú vị
Hà Nội: Tăng tính kết nối xe buýt với đường sắt đô thị
Kết nối liên hoàn giữa đường sắt đô thị với các loại hình giao thông
Ánh Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động