Hà Nội tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền công tác hòa giải ở cơ sở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên100% tổ hòa giải của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội được cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật và Xã hội |
Hòa giải thành đạt tỷ lệ 85,51%
Năm qua, nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở và tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hòa giải, các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người dân, cũng như tạo diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên trên địa bàn TP, ngày 13/4/2022 UBND TP đã ban hành Công văn 1074/UBND-NC về việc hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở năm 2022, trong đó hướng dẫn đánh giá Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.
Hội đồng phối hợp PBGDPL TP đã tham mưu UBND TP chỉ đạo Báo Kinh tế và Đô thị tiếp tục triển khai thực hiện Đề án của UBND TP với mục tiêu 100% tổ hòa giải được cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật và Xã hội tới các tổ hòa giải của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. 11 tháng năm 2022, ấn phẩm Pháp luật và xã hội đã phát hành miễn phí 883.578 tờ tới 100% các tổ hoà giải trên địa bàn TP.
Tổ chức củng cố, kiện toàn, thành lập mới tổ hoà giải, tổ trưởng và các hòa giải viên được thực hiện nghiêm túc. Đến nay, toàn TP có 4.964 tổ hòa giải với tổng số 32.024 hòa giải viên. Theo báo cáo của 30/30 quận, huyện, năm 2022, toàn TP đã tiếp nhận tổng số 3.850 vụ việc, số vụ hòa giải thành là 3.186 vụ, số vụ việc chưa giải quyết xong là 124 vụ, đạt tỷ lệ 85,51% cao hơn tỷ lệ hoà giải thành cùng kỳ năm 2021, 0,31% (năm 2021: hoà giải thành 2.483/2.911 vụ (đạt tỷ lệ 85,29%).
Các đơn vị tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và có tỷ lệ hòa giải thành cao đạt trên 90% gồm các quận, huyện: Thanh Xuân (100%) Long Biên (98,82%), Thanh oai (96,77%), Đan phượng (96,67%), Hà Đông (93,75%), Ba Đình (93,15%), Mỹ Đức (92,31%), Hoài Đức (92,16%), Đống Đa (91,96%), Hai Bà Trưng ( 91,92%), huyện Phúc Xuyên (91,57%), quận Nam Từ Liêm (91,45%), Hoàng Mai (91,93%), Hoàn Kiếm (91,11%), Thanh Trì (91,05%). Một số đơn vị tỷ lệ hòa giải thành đạt tỷ lệ thấp dưới 80% là: Mê Linh: 73,20%, Tây Hồ: 67,12%, Thường Tín: 66,67%, Thị xã Sơn Tây: 57,97%, Phúc Thọ: 57,30%.
Sở Tư pháp tham mưu UBND TP tổ chức tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả tổng kết Đề án cho thấy các chỉ tiêu theo Đề án đã đạt được, tỷ lệ hoà giải tăng, số vụ việc hoà giải giảm.
Mô hình tổ hòa giải 5 tốt: Năm 2022, TP đã có 3.001/4.964 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 60,5%)., tăng hơn 179 tổ hoà giải 5 tốt so với năm 2021 (năm 2021 có 2.822/4937 tổ hoà giải đạt ”Tổ hoà giải 5 tốt” (chiếm 57%)). Mô hình hòa giải 5 tốt đã góp phần đẩy mạnh sự quan tâm của chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở. Việc kết hợp mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với nhiều mô hình tự quản khác trong cộng đồng dân cư ngày càng được đẩy mạnh.
Nhiều đơn vị vẫn tích cực duy trì mô hình hoạt động “Tổ hòa giải 5 tốt” như các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Đình, Mỹ Đức, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Mê Linh, Hai Bà Trưng, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm.
Đạt ít nhất 60% tổ hòa giải đạt mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 351/KH-UBND ngày 30/12/2023 về triển khai, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 13/9/2022 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Tại Kế hoạch đưa ra chỉ tiêu xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đạt ít nhất 60% tổ hòa giải đạt mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tổ hòa giải.
Theo đó, TP nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của chính quyền các cấp đối với công tác hòa giải qua hoạt động tổ chức rà soát các VBQPPL hiện hành liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở do TP ban hành, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các VBQPPL phù hợp với Luật Hòa giải ở cơ sở; xây dựng đội ngũ hòa giải viên có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; Kiện toàn số lượng tổ hòa giải, đảm bảo mỗi thôn, tổ dân phố có ít nhất 01 tổ hòa giải; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở.
Xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ở các địa bàn dân cư, gắn xây dựng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với các tổ chức tự quản tại cộng đồng dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nhân rộng các mô hình hoà giải đạt hiệu quả phù hợp với tình hình địa phương.
Cũng tại Kế hoạch này, 100% tổ hòa giải trên địa bàn TP tiếp tục được cấp phát miễn phí ấn phẩm Pháp luật và Xã hội thuộc Báo Kinh tế và Đô thị. Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn TP trên ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao chất lượng chuyên mục “Hòa giải ở cơ sở” trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp PBGDPL TP và ấn phẩm Pháp luật và Xã hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại