Hà Nội sẽ triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, năm 2019, các cơ quan chức năng thành phố sẽ điều tra, khám phá, xử lý hình sự 2.200 vụ án phạm tội về ma túy, trong đó, có 1.320 vụ có tính chất mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy.
Triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy còn tồn tại đến cuối năm 2018; giữ ổn định các địa bàn, điểm phức tạp về ma túy đã giải quyết điểm; rà soát, kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh triệt xóa.
Một đối tượng cùng tang vật bị công an Hà Nội triệt xóa đường dây vận chuyển ma túy trong năm 2018. Ảnh: Theo KTĐT |
Bên cạnh đó, lập 800 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 600 người. Tích cực vận động người nghiện, người sử dụng ma túy cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện của thành phố.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện điều trị thay thế bằng Methadone, trong đó, duy trì điều trị ổn định cho 4.852 người nghiện ma túy tại các cơ sở điều trị Methadone; phấn đấu cuối năm 2019 lũy tích có 6.500 bệnh nhân được điều trị thay thế bằng Methadone.
Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, thuốc tân dược, thuốc thú y có chứa tiền chất ma túy; không để xảy ra vụ việc sản xuất trái phép ma túy hoặc trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn thành phố.
Triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại xã, phường, thị trấn” ban hành kèm theo Quyết định số 8014/QĐ-BCA-H01 ngày 14-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, tiến hành rà soát, phân loại xã, phường trọng điểm, phức tạp và không tệ nạn ma túy; mục tiêu năm 2019, duy trì, giữ 7 xã trong năm 2018 đạt “không có tệ nạn ma túy”; phấn đấu xây dựng mới 4 xã đạt "không có tệ nạn ma túy”.
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, đi đôi với quán triệt, chỉ đạo, thành phố sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy cũng như tác hại của ma túy; tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy”; chú trọng đổi mới nội dung, triển khai tổng thể các loại hình thông tin, tuyên truyền, duy trì và phát huy loại hình tuyên truyền có hiệu quả.
Lựa chọn các loại hình thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng, đặc biệt cân quan tâm đến những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, chú trọng chỉ đạo tuyên truyền điểm với các đối tượng có nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, đối tượng trong nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, số có biểu hiện vi phạm về tội phạm và tệ nạn ma túy ở cộng đồng...
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại