Thứ sáu 26/04/2024 11:17

Hà Nội: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP Hà Nội, trong tháng 11-2021, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi, các doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân những tháng cuối năm, dịp Tết Dương lịch năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
TP Hà Nội đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
TP Hà Nội đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp

Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 5,1%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,6%; khai khoáng tăng 3,5%.

Một số ngành sản xuất chế biến, chế tạo có chỉ số IIP 11 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17,4%; trang phục tăng 16,3%; xe có động cơ tăng 14,1%; giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,1%.

Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 11 ước tính tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm nay, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 11 ước tính đạt 4.533 tỷ đồng, tăng 16,1% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, vốn thực hiện đạt 36,9 nghìn tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 72,8% kế hoạch năm.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, có chiều dài trên cao hơn 13 km, tổng mức đầu tư 18 nghìn tỷ đồng đã chính thức đưa vào khai thác sử dụng được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân Thủ đô khi đi vào hoạt động. Dự án không chỉ giúp cho môi trường trở nên trong sạch hơn, hạn chế khói bụi và giảm thiểu ô nhiễm do xe cộ gây ra mà còn giúp người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển, đặc biệt là rút ngắn thời gian và tiết kiệm được chi phí đi lại.

Tháng 11-2021, TP Hà Nội có 27 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 14 triệu USD. Bên cạnh đó, có 11 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 29 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 35 lượt, đạt 15 triệu USD. Lũy kế 11 tháng năm 2021, toàn TP thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 330 dự án với số vốn đạt 210,6 triệu USD; 110 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 634 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 436 lượt, đạt 426 triệu USD.

Cũng trong tháng 11, TP có 2.513 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 40,4 nghìn tỷ đồng, tăng 96%. Cộng dồn 11 tháng năm 2021, Hà Nội có 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 307,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2%; 9,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 64%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Theo Sở Công thương Hà Nội, thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội đang khẩn trương tập trung nhân công, đề ra nhiều giải pháp thích ứng, nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra của năm 2021 và những năm tiếp theo.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp đạt công suất 80-90%. Dù còn gặp khó khăn về chi phí nguyên vật liệu, nhân công… nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất để tăng doanh số, tạo việc làm cho công nhân và đặc biệt là giữ khách hàng.

TP Hà Nội đã giao các Sở liên quan, Trung tâm xúc tiến đầu tư… để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đôn đốc các dự án đầu tư trên địa bàn; đồng thời Hà Nội đang nỗ lực cải cách hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Về chính sách hỗ trợ lĩnh vực du lịch, TP đã giao ngành du lịch có chính sách riêng, phù hợp theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống hiệu quả dịch Covid-19.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay, cần có một số giải pháp mang tính cấp bách, đột phá. Đó là, chủ động rà soát, sửa đổi ngay những quy định, chính sách đang là rào cản hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; loại bỏ các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn… Các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh, giúp doanh nghiệp ngăn chặn tình trạng mất thanh khoản, giải thể...
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động