Chủ nhật 19/05/2024 22:31
15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội:

Hà Nội: Diện mạo đô thị mang một tầm vóc mới khang trang và hiện đại hơn

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội đã tạo đà cho Thủ đô Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhiều khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, hiện đại…
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, cùng với quá trình đô thị hóa, Thủ đô Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị mang một tầm vóc mới khang trang và hiện đại hơn. Ảnh: Thùy Chi
Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, cùng với quá trình đô thị hóa, Thủ đô Hà Nội đã chuyển mình mạnh mẽ, diện mạo đô thị mang một tầm vóc mới khang trang và hiện đại hơn. Ảnh: Thùy Chi

Nhiều dự án khu đô thị mới được mở rộng ra 4 hướng

Ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII. Đây là dấu mốc quan trọng phát triển đô thị, đưa Hà Nội trở thành một trong những thủ đô lớn với diện mạo mới, ngày càng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội gắn với thực hiện chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đã có nhiều dự án khu đô thị mới được đầu tư xây dựng đồng bộ, văn minh, mở rộng ra 4 hướng của Thủ đô.

Tiêu biểu, phía Đông của Thủ đô Hà Nội có khu đô thị: Việt Hưng, Vinhomes River side, Vin City Ocean Park... Phía Tây có khu đô thị: Đông Nam Trần Duy Hưng, Mỹ Đình, Bắc/Nam An Khánh, Vin City Sportia, Vinhomes Smart City... Phía Nam có khu đô thị: Linh Đàm, Garmuda... Phía Bắc có khu đô thị: Ciputra, Tây Hồ Tây, khu Ngoại giao đoàn...

Cùng với việc thực hiện xây dựng, cải tạo đô thị, nhiều trung tâm thương mại, khu vui chơi phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân cũng mọc lên, như: Trung tâm thương mại Vincom, Trung tâm thương mại Big C, Trung tâm mua sắm Aeon Mall, Thiên đường Bảo Sơn…

Hiện TP Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận; tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc với một số dự án, như: Thành phố thông minh Bắc Hà Nội, Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, Khu tổ hợp thương mại quy mô lớn Outlet, phát triển khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài... và đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.

Ngoài ra, TP Hà Nội còn khởi công nhiều dự án xây dựng công viên, hồ nước lớn như: công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); công viên - hồ điều hòa CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy, công viên hồ điều hòa Nhân Chính; công viên và hồ điều hòa khu phía Bắc và phần mở rộng phía Nam nghĩa trang Mai Dịch... tạo khoảng đệm, không gian xanh mát và là "máy điều hòa không khí" tự nhiên cho khu vực, góp phần cải thiện không gian sống, chất lượng sống cho người dân thủ đô.

Xây dựng Thủ đô văn minh, TP đáng sống

Trong những năm qua, Hà Nội sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn. Nhiều chủ trương mới, chương trình mới triển khai đã nhận được sự đồng thuận của người dân, bước đầu mang lại hiệu quả đáng ghi nhận như thực hiện chỉnh trang, hình thành văn minh đô thị, nhiều khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, tạo nên không gian đô thị hiện đại của thủ đô Hà Nội.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội đã tạo đà cho Thủ đô Hà Nội phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhiều khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Sự hiện diện của các khu đô thị mới ở Hà Nội không chỉ góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân, mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tạo nên những không gian sống tốt hơn, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã chú trọng đầu tư cho các chương trình chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị theo hướng ngày càng xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh và hiện đại.

Để giữ vững danh hiệu là một trong những thủ đô có nhiều cây xanh, hồ nước trên thế giới, Hà Nội cũng đã tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cây xanh, mặt nước, hướng tới xây dựng Thủ đô thành một đô thị "Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại".

Hiện nay, TP đang nhanh tiến độ thực hiện lập lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và các đồ án quy hoạch, đặc biệt là Quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh, quy hoạch xây dựng vùng huyện trên địa bàn TP.

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội cũng đã nhanh chóng lập các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, làm cơ sở mở rộng không gian đô thị về nhiều hướng.

Bên cạnh việc phát triển các khu đô thị mới, kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông Thủ đô đã có bước chuyển hóa mới như hệ thống đường bộ, cầu vượt, giao thông công cộng hiện đại, cầu vượt qua sông Hồng phát triển, nhiều tuyến đường, ngõ nhỏ được cải tạo, chỉnh trang…

Theo TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, mặc dù, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách, cơ chế để Thủ đô Hà Nội phát triển theo hướng bền vững, "Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại". Tuy nhiên, trên bước đường phát triển để trở thành một TP. Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Hiện TP Hà Nội cũng đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là: Lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần tiếp tục chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô. Khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử.

Đồng thời, phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đẩy mạnh ý chí, khát vọng phát triển, xây dựng Hà Nội là TP "Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại", là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, TP kết nối toàn cầu, TP sáng tạo.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các chương trình cải tạo, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị Hà Nội thực hiện thời gian qua đang từng bước tăng tính hấp dẫn cho Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng, môi trường sống của người dân, hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Hà Nội: Công nghiệp, thương mại chuyển dịch theo hướng tích cực
Nông thôn Hà Nội đã có những thay đổi căn bản, toàn diện
Ánh Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động