Hà Nội đẩy mạnh phát triển nhà ở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đang nỗ lực đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn |
Đáp ứng nhu cầu gần 7 triệu m2 sàn
Ngày 8/7/2022, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Chương trình phát triển nhà ở TP giai đoạn 2021-2030, với 100% đại biểu có mặt tán thành. Được biết, nguồn vốn phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 khoảng 880.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 11.700 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu gần 7 triệu m2 sàn NƠXH đến 2030, TP lên kế hoạch đầu tư xây 1-2 khu nhà ở tập trung và chuẩn bị đầu tư các khu còn lại. Hai khu đã được quy hoạch ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh gồm khu NƠXH tập trung và khu NƠXH TP kết nối xanh (Green Link City). Ba khu NƠXH tập trung đang nghiên cứu quy hoạch tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì và xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. TP đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% KCN, khu chế xuất có NƠXH phục vụ người lao động; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tăng từ 27 m2 hiện nay lên 32 m2...
Chương trình phát triển nhà ở của Hà Nội nêu rõ sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai và ưu tiên cải tạo, xây dựng lại 6 khu có nhà nguy hiểm cấp D; tiếp tục chỉnh trang nhà ở, khu phố cũ. Nhiều DN, chủ đầu tư hiện nay đều không mặn mà với việc phát triển NƠXH vì lo ngại những vướng mắc thủ tục, quy trình xét duyệt kéo dài, trong khi lợi nhuận rất thấp so với việc phát triển các dự án nhà ở thương mại.
Nhà đầu tư vẫn gặp nhiều cái khó
Theo phản ánh của các DN đầu tư NƠXH, kể từ khi bắt đầu thủ tục xin dự án đến khi kết thúc mất khoảng 5 năm mới có thể hoàn thiện và trải qua quy trình 5 bước. Thế nhưng, lợi nhuận định mức của dự án NƠXH tối đa theo quy định chỉ khoảng 10%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm. Chủ đầu tư khi phát triển NƠXH, điều họ quan tâm nhất đó là chính sách pháp lý, ưu đãi của Nhà nước để giảm thuế, giảm giá thành cho DN khi triển khai dự án. Một trong những lý do khiến DN chần chừ nhất đó là vấn đề thủ tục còn phiền hà. Các dự án NƠXH thường vướng thủ tục trong xác định giá bán, khiến DN khó quyết toán hoặc cấp sổ hồng cho người mua chậm trễ. Về thuế, đối với DN làm NƠXH cho thuê, thường được giảm 70% thuế giá trị gia tăng nhưng Luật Thuế lại không có khoản này. DN đầu tư làm NƠXH gặp nhiều rắc rối, khó khăn sẽ dần mất động lực để làm các dự án tiếp theo…
Bàn về thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn. Quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NƠXH đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán NƠXH còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép DN, HTX thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH trong khi trên thực tế nhu cầu của các DN, HTX muốn mua, thuê NƠXH để cho người lao động của họ thuê lại để ở là rất lớn. Ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách NƠXH, nhà ở công nhân: mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội); nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách NƠXH theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP đến nay vẫn chưa được bố trí.
Tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn. Hiện, TP có 52 dự án triển khai với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Trên cơ sở đó, TP xác định nhu cầu và tổng nhu cầu sàn NƠXH đến 2030 trên địa bàn toàn TP khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng NƠXH khoảng 12.500 tỷ đồng.
Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đề ra trong chiến lược đầu tư xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp trên địa bàn trong giai đoạn tới, TP Hà Nội đặt ra các giải pháp cụ thể. Đầu tiên phải kể đến đó là, TP sẽ đẩy mạnh các khu NƠXH độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội. Rà soát quy hoạch tại các KCN, khu vực giáp ranh các KCN, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng NƠXH đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra. Cùng với đó, bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng NƠXH theo quy định. Đặc biệt, TP sẽ kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng NƠXH...
Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu rất lớn về NƠXH, UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Dự kiến thời gian tới, sẽ hoàn thành bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn tương đương 38.000 căn hộ. Để triển khai thực hiện, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo quy hoạch chi tiết 2 khu NƠXH tập trung đã được phê duyệt theo hướng tập trung tối đa cho phát triển NƠXH và xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Xây dựng để tổ chức triển khai bảo đảm theo đúng quy định. UBND TP cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, rà soát để đề xuất đầu tư thêm các khu NƠXH tập trung trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu lớn về NƠXH của TP.
Hà Nội “mạnh tay” đầu tư cho nhà ở xã hội | |
Hàng triệu người dân có thêm nhiều lựa chọn chốn an cư chất lượng | |
Khan hiếm căn hộ bình dân, giao dịch nhà ở riêng lẻ, đất nền chững lại |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại