Thứ sáu 22/11/2024 14:59
Khi Thành phố cùng doanh nghiệp dồn nguồn lực cho nhà ở xã hội:

Hàng triệu người dân có thêm nhiều lựa chọn chốn an cư chất lượng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm và dồn nguồn lực lớn cho phân khúc nhà ở xã hội. Tuy nhiên các giải pháp đưa ra vẫn chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn bởi mới phần nào giải quyết được nhu cầu của người dân. Bởi vậy, TP rất mong sự chung tay của các DN có trách nhiệm để một bộ phận người dân có thu nhập thấp sớm có cơ hội tiếp cận được với nhà ở.
Hàng triệu người dân có thêm nhiều lựa chọn chốn an cư chất lượng
Khi các đại gia BĐS cùng "bắt tay" làm nhà ở xã hội thì người lao động có hi vọng sở hữu căn hộ long lanh không kém các tòa nhà thương mại

5 giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Trong bối cảnh giá nhà đất liên tục tăng thì cơ hội tiếp cận nhà ở của người có thu nhập trung bình, thấp ở đô thị ngày càng trở nên khó khăn. Tuy vậy, một loạt những thông tin tích cực liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội những ngày qua có thể mở ra cơ hội mua nhà cho những người có thu nhập thấp thời gian tới.

UBND TP Hà Nội cho biết, đang định hướng làm 5 khu nhà ở xã hội tập trung, quy mô khoảng 280ha, trong đó tập trung nhiều nhất tại Đông Anh. Nếu các dự án này sớm được triển khai sẽ giải quyết bài toán nhà ở được cho hàng trăm nghìn người đang khó khăn về nhà ở hiện nay.

Cụ thể, tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Văn Tuấn cho biết: Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 (đã được HĐND TP Hà Nội thông qua).

Trên cơ sở đó, xác định nhu cầu nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn TP là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng vào khoảng 12.500 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Tổng thể, TP đã triển khai 52 dự án, cộng 5 khu nhà ở xã hội tập trung là 57 dự án trên toàn địa bàn.

Để giải bài toán phát triển nhà ở xã hội nhằm giải quyết nhu cầu còn rất lớn của người dân, mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đẩy mạnh thực hiện chủ trương phát triển nhà ở xã hội theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại; nhà ở xã hội giá thấp nhưng chất lượng không được thấp.

Bí thư Thành ủy khẳng định, Hà Nội sẽ dành nguồn lực hợp lý để đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội với mục tiêu nâng diện tích nhà ở bình quân toàn TP đạt 29,5 m2 sàn/người; tỷ lệ diện tích nhà ở cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội phải đạt tối thiểu 30% tổng diện tích sàn.

TP đang rà soát việc lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết và triển khai đầu tư xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc, trên cơ sở đó lựa chọn chủ đầu tư. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng đang khẩn trương rà soát 68 ô đất thuộc quỹ đất 20%, 25% tại dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đề xuất phương án xây nhà ở xã hội.

Mong muốn có cơ hội sở hữu một nơi an cư phù hợp

Trong cuộc đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân lao động nhân dịp Tháng Công nhân năm 2022, nhiều người thu nhập thấp nói chung và công nhân lao động nói riêng bày tỏ mong muốn được Chính phủ, TP Hà Nội quan tâm hơn đến các chính sách về nhà ở xã hội để họ có cơ hội sở hữu một nơi an cư phù hợp.

Trong khi giá nhà thương mại tăng cao thì việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của Hà Nội vẫn còn khá chậm khiến cho nguồn cung trở nên khan hiếm, không đáp ứng được kỳ vọng của người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở thì thông tin các dự án sẽ sớm được triển khai mang lại rất nhiều kỳ vọng cho những người đang chật vật với mong muốn về một nơi an cư.

Theo UBND TP Hà Nội, trong các dự án này, Đông Anh có 2 khu, diện tích lần lượt 84ha và gần 100ha; Gia Lâm khoảng 55 ha; còn lại Thanh Trì và Thường Tín, mỗi khu vực khoảng 4ha. TP Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 38.000 căn hộ, đảm bảo 2,3 triệu m2 sàn nhà ở.

Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.

Một tín hiệu lạc quan và đầy vui mừng khác khi tại hội nghị, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản đã cam kết sẽ xây dựng 1,2 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong những năm tới.

Cụ thể: Đại diện Tập đoàn Sun Group và Tập đoàn Bitexco cũng đều sẵn sàng tham gia vào mục tiêu hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội vào năm 2030; Tập đoàn Vingroup, phấn đấu 5 năm tới sẽ đầu tư 500.000 căn nhà ở xã hội; Tập đoàn Novaland cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ đầu tư xây dựng 200.000 căn hộ nhà ở xã hội tại các tỉnh thành phía Nam và trọng tâm là TP HCM; Tập đoàn Him Lam đăng ký tham gia 75.000 căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030.

Những tín hiệu trên không chỉ là tin vui lớn với người thu nhập thấp, mà còn là niềm tin cho thị trường bất động sản nói chung khi các đại gia cùng "bắt tay" làm nhà ở xã hội thì phân khúc này sẽ có tính bền vững cao hơn.

Đồng thời, sự vào cuộc của DN cùng TP với những quyết sách thiết thực, cụ thể và hiệu quả sẽ góp phần đưa đến những sản phẩm có chất lượng tới hàng triệu người dân khiến cho những lựa chọn về chốn an cư sẽ thêm chất lượng và phù hợp với tài chính của nhiều người lao động.

Một khi bài toán nhà ở của người lao động được giải sẽ kéo theo rất nhiều giá trị cho xã hội với đời sống của người dân được nâng cao, bộ mặt đô thì thêm khang trang, người lao động ngày càng yên tâm để chuyên tâm dồn sức cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

Hà Nội siết chặt quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
HoREA kiến nghị Bộ Xây dựng có cơ chế “chuyển giao” với 20% quỹ đất xây NƠXH
Hà Nội: 2 dự án bắt buộc dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội
Hà Nội “mạnh tay” đầu tư cho nhà ở xã hội
Linh Huy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động