Thứ sáu 22/11/2024 20:01

Hà Nội “mạnh tay” đầu tư cho nhà ở xã hội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển, chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, vẫn cần cơ quan chức năng gỡ vướng mắc để thu hút doanh nghiệp và tạo lập quỹ nhà ở...

Thực hiện đồng bộ 5 giải pháp

Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm 2021-2025 (đã được HĐND TP Hà Nội thông qua). Trên cơ sở đó, xác định nhu cầu nhà ở xã hội đến 2030 trên địa bàn toàn thành phố là khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 113.000 căn hộ và vốn xây dựng vào khoảng 12.500 tỷ đồng.

Về kết quả đạt được, giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội đã hoàn thành 25 dự án với khoảng 1,25 triệu m2 sàn; đang triển khai 52 dự án với khoảng 4,14 triệu m2 sàn. Nhà ở xã hội của TP được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch, gắn với phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị; được đầu tư với nhiều hình thức đa dạng từ các nguồn lực xã hội.

Hai toà nhà ở xã hội trong KĐT Hồng Hà Eco City
Hai toà nhà ở xã hội trong KĐT Hồng Hà Eco City ở huyện Thanh Trì được đầu tư xây dựng xanh, sạch, đẹp, giúp hàng trăm hộ dân thu nhập thấp có cuộc sống ổn định, văn minh

Ngoài ra, thành phố Hà Nội đang triển khai 5 khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung, hiện đại với quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ. Đến nay 5 khu nhà ở xã hội tập trung này có tổng quy mô đất khoảng 280 ha. “Chúng tôi đã bố trí ở Đông Anh 1 khu khoảng 84 ha, ở Thanh Trì, Thường Tín, mỗi khu 4 ha, một khu ở huyện Gia Lâm quy mô 55 ha và một khu nữa ở Đông Anh với quy mô gần 100 ha. Dự kiến thời gian tới, sẽ hoàn thành bảo đảm quy mô, công suất khoảng 2,3 triệu m2 sàn, tương đương 38.000 căn hộ", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chia sẻ.

Về giải pháp thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, thành phố đặt ra 5 giải pháp:

Một là, đẩy mạnh các khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật xã hội.

Hai là, rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu vực giáp ranh các khu công nghiệp, rà soát các khu đô thị mới, khu nhà ở chưa dành quỹ đất 20% (với Hà Nội là 25%) để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển đặt ra.

Ba là, bố trí nguồn tiền các chủ đầu tư nhà ở thương mại đã nộp tương đương giá trị quỹ đất 20%, 25% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định.

Thứ tư là, kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội - độc lập, nhà ở xã hội cho thuê, nhà ở xã hội phục vụ tái định cư; cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chuẩn bị đầu tư phục vụ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện cho vay ưu đãi (qua Quỹ Đầu tư phát triển, Ngân hàng chính sách) để hỗ trợ nhà ở xã hội cho các đối tượng theo quy định tại Điều 49, 50 Luật Nhà ở.

Thứ năm là, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch phục vụ công nhân và người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp mới.

Để đáp ứng nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, UBND TP Hà Nội tập trung chỉ đạo hoàn thành 19 dự án với khoảng 1,2 triệu m2 sàn giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai 38 dự án còn lại dự kiến hoàn thành giai đoạn sau năm 2025. Tổng thể, TP đã triển khai 52 dự án, cộng 5 khu nhà ở xã hội tập trung là 57 dự án trên toàn địa bàn. Đối với các khu nhà ở xã hội tập trung, đây là chủ trương lớn, TP đã đề xuất với Chính phủ từ năm 2017 để thực hiện giải pháp là tạo lập khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật có tính chất tổng hợp để giải quyết nhu cầu cơ bản của TP.

Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu 3 đến 5 địa điểm để phát triển khu nhà ở xã hội độc lập, tập trung để thực hiện nhu cầu nhà ở xã hội nói chung và nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu vực công nghiệp khác trên địa bàn.

Nhấn mạnh đến đầu tư, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn, nhân văn. nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn có nhiều DN mong muốn tham gia việc phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để các DN mạnh dạn tham gia, các cơ quan chức năng phải sớm giải quyết những vướng mắc về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối.

Tháo gỡ khó khăn trong quy hoạch

Bên cạnh đưa ra giải pháp, TP Hà Nội cũng kiến nghị gỡ vướng nhiều điểm nghẽn trong phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Vướng mắc lớn nhất hiện tại là về điều kiện tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng cho phép được sử dụng các quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 là các quy hoạch cấp trên để được phê duyệt làm căn cứ xác định thông tin quy hoạch kiến trúc để lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án, hồ sơ đấu thầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Nhà đầu tư được lựa chọn sẽ có trách nhiệm tổ chức lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án theo quy định hiện nay. Do quy định cơ chế chính sách buộc phải đấu thầu không chỉ định thầu.

Vướng mắc thứ hai là về vấn đề quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Dựa trên đặc thù địa lý, kinh tế, xã hội, thành phố kiến nghị Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án này tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị giao quyền cho Hà Nội và các thành phố khác điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê như nhà lưu trú, nhà tạm trú theo quy định của Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

Cuối cùng, Hà Nội kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nghiên cứu quy định chuyển tiếp về nghĩa vụ và quỹ đất hỗ trợ với các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã có quyết định chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết được duyệt theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP, 100/2015/NĐ-CP để bảo đảm không gián đoạn quá trình triển khai và đẩy nhanh tiến độ dự án, Nghị định 49/2021/NĐ-CP một số cơ chế ưu đãi không rõ.

“Đối với các khu nhà ở xã hội tập trung, đây là chủ trương lớn của thành phố, Hà Nội đã đề xuất với Chính phủ từ năm 2017 để thực hiện. Thời gian tới, để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn Thành phố, rất mong nhận được sự quan tâm của Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Văn Tuấn nhấn mạnh.

Nhận diện những vướng mắc để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân
Người dân có hy vọng chạm tới giấc mơ nhà ở
Hà Nội: Giám sát bảo đảm việc bán, cho thuê nhà ở xã hội đúng đối tượng
Hà Nội siết chặt quản lý, sử dụng nhà ở xã hội
Hà Nội: 2 dự án bắt buộc dành quỹ đất để làm nhà ở xã hội
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động