Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện cơ sở buôn bán thực phẩm chức năng giả tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Vũ Dung |
Xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, tính chất phức tạp
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra phức tạp. Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại.
Mặc dù công tác truy quét hàng giả, hàng nhái chống buôn lậu được đẩy mạnh nhưng lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng... vẫn diễn ra, với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau.
Tình hình sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, trái cây... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.
Để đấu tranh với gian lận thương mại, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội ngay từ đầu năm.
Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, tính chất phức tạp, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao...
Với quyết tâm ngăn chặn hoạt động buôn lậu và những giải pháp mạnh mẽ, trong tháng 11, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố đã thanh tra, kiểm tra 2.925 vụ; xử lý: 2.626 vụ. Khởi tố 4 vụ đối với 5 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là trên 361 tỷ đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử...
Trong đó, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 547 vụ, xử lý hành chính 510 vụ. Xử phạt hành chính 6,81 tỷ đồng,trị giá hàng vi phạm gần 6,8 tỷ đồng. Công an Thành phố kiểm tra 94 vụ, xử lý 99 vụ, phạt hành chính hơn 1,85 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm gần 4,4 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ, với 5 đối tượng. Cục Hải quan TP. Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 112 vụ. Xử phạt hành chính 3,2 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế 5,7 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 41,4 tỷ đồng.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn “nóng”
Để đấu tranh hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban chỉ đạo 389 Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 Thành phố và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các lực lượng chức năng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường; chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp để đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường.
Đồng thời, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn, nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng cấm, hàng giả.
Các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên địa bàn.
Đồng thời, đề cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay, bảo kê, bao che cho đối tượng có hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại.
Từ nay đến hết năm 2023 lực lượng chức năng TP. Hà Nội đồng loạt triển khai Kế hoạch số 57/KH-BCĐ389/Thành phố của Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội về kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 trên địa bàn Hà Nội.
Việc kiểm tra sẽ có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề (ví dụ nhu cầu rượu, bia, đồ uống, bánh kẹo dịp Tết tăng cao thì buôn lậu, hàng giả nhóm sản phẩm này cũng tăng theo), xác định địa bàn "nóng" như đầu mối giao thông, tuyến quốc lộ, chợ đầu mối, kho tập kết hàng hóa, tuyến phố chuyên kinh doanh mặt hàng có nhu cầu lớn dịp cuối năm…
Trong đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Đặc biệt chú trọng các kho hàng, bến bãi tập kết hàng hóa và các tuyến đường có địa bàn giáp ranh với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hòa Bình...
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, chỉ lực lượng chức năng không đủ, mà cần có sự chung tay của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Doanh nghiệp chính là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi hàng hóa của mình bị làm giả, làm nhái. Vì vậy, cần chủ động báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái trên thị trường; chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để đấu tranh, triệt phá cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Người tiêu dùng cần góp sức bằng cách "nói không" với hàng giả, hàng lậu; phản ánh với cơ quan chức năng đối tượng, cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhất là trên môi trường internet, giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời.
Trước thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi lên các trên nền tảng mạng xã hội gây ra hệ lụy không nhỏ cho người tiêu dùng, mới đây, Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023. Đề án này nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa... |
Hà Nội: Xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu | |
Đấu tranh chống hàng giả,hàng nhái: Trách nhiệm của cả người tiêu dùng | |
Tìm giải pháp đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại