Thứ sáu 17/05/2024 09:42

Đấu tranh chống hàng giả,hàng nhái: Trách nhiệm của cả người tiêu dùng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), năm 2019, cơ quan này đã phát hiện, xử lý trên 90.000 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 670 tỷ đồng. Trong đó, đã thu nộp ngân sách Nhà nước gần 500 tỷ đồng, giá trị hàng hóa tịch thu chưa bán trên 170 tỷ đồng (tăng gần 180 tỷ đồng so với năm 2018), giá trị hàng hóa, tang vật vi phạm bị tiêu hủy trên 120 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công thương, hiện nay, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề gây bức xúc trong dư luận, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; sản xuất, kinh doanh của DN và môi trường đầu tư, du lịch. Sự đa dạng về mẫu mã, giá cả và sự phong phú về chủng loại khiến NTD khó lòng nhận biết được đâu là hàng thật, hàng giả.

Trên góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái trước hết làm mất uy tín của những DN có sản phẩm bị làm giả, khiến NTD hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu. Nhưng hậu quả khó lường hơn là những nguy cơ có thể gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người khi sử dụng những sản phẩm chất lượng kém, không rõ nguồn gốc xuất xứ và chính NTD là đối tượng chịu thiệt thòi lớn nhất khi vừa mất tiền, vừa mang tật.

dau tranh chong hang giahang nhai trach nhiem cua ca nguoi tieu dung
Người tiêu dùng cần lên án, đấu tranh chống lại nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái. Ảnh minh hoạ

Khi nhắc đến vấn nạn hàng giả, hàng nhái, nhiều người thường quy trách nhiệm cho các lực lượng chức năng, cho các kẽ hở của luật pháp mà không tự nhìn nhận lại chính bản thân mình đã là NTD thông thái hay chưa. Trong nhiều trường hợp, chính thái độ thờ ơ, bàng quan của NTD lại đang cung cấp đất sống cho những kẻ kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Trên thực tế, phần lớn NTD bị lừa bởi các sản phẩm hàng giả, hàng nhái đều thiếu những kỹ năng, kiến thức để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả. Trong khi đó, đa số các sản phẩm hàng giả, hàng nhái đều được sản xuất rất tinh vi, khó phân biệt bằng mắt thường nếu không có kinh nghiệm hay sự chỉ dẫn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng khi có nhu cầu mua sản phẩm thường không tìm hiểu kĩ các thông tin về sản phẩm như xuất xứ sản phẩm, đặc điểm sản phẩm và các khuyến cáo về hàng giả, hàng nhái của chính những Cty sản xuất ra sản phẩm. Hiện nay, nhiều Cty đã có tổng đài và đường dây nóng để tiếp nhận cũng như giải đáp những thắc mắc về sản phẩm, tuy nhiên nhiều khách hàng thường không quan tâm và ít khi để ý đến điều này.

Bên cạnh đó, tâm lý dễ dãi, sợ phiền phức của NTD khi mua, sử dụng phải những sản phẩm hàng giả, hàng nhái cũng khiến việc thu thập thông tin, xử lý các đối tượng buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng nhái của các cơ quan chức năng. Nhiều khách hàng khi mua phải hàng giả, hàng nhái thường bỏ qua, coi như đen đủi mà không có những phản ánh, thông báo cho các lực lượng chức năng, các hội bảo vệ quyền lợi NTD khiến cho việc thu thập thông tin gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, nhiều NTD khi đi mua hàng giữ thói quen không lấy hóa đơn, chứng từ mà thay vào đó là thói quen sử dụng tình cảm, niềm tin khi giao dịch cũng khiến cho việc xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái gặp nhiều khó khăn.

Chắc chắn, không một NTD nào muốn mình bị lừa khi mua phải hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, với tâm lý ham rẻ, không ít NTD đã tiếp tay cho những đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái.Cũng bởi tâm lý ham của rẻ, nhưng lại thích xài hàng hiệu của một bộ phận NTD nên mới có thực trạng, hầu hết sản phẩm của các hãng có uy tín, có thương hiệu đều bị làm giả, làm nhái. Nhiều khách hàng thường không quan tâm đến quyền sở hữu trí tuệ, cũng không có khái niệm dùng hàng thật, hàng chính hãng mà chỉ quan tâm đến mẫu mã, giá thành hợp túi tiền. Đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều NTD lựa chọn sử dụng những sản phẩm hàng giả, hàng nhái nhưng có giá rẻ mà không biết rằng hành động của mình đang góp phần làm giàu cho những kẻ kinh doanh hàng giả, hàng nhái đồng thời khiến cho những mặt hàng chính hãng thất thu, thậm chí lâm vào cảnh phá sản.
Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái cần sự phối hợp của các lực lượng chức năng, DN và sự hỗ trợ của hệ thống luật pháp. Tuy nhiên, NTD cũng nên tự đặt mình vào một trong những vị trí then chốt trong công cuộc đấu tranh này.

Để làm được điều này, trước hết NTD cần trang bị những kiến thức cần thiết để phân biệt được sản phẩm nào là hàng thật, sản phẩm nào là hàng giả, hàng nhái. Bởi việc này nhằm bảo vệ chính quyền lợi của bạn và còn chống lại hành vi phá hoại sản xuất, kìm hãm sự phát triển nền kinh tế đất nước. Ngoài ra, khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, NTD cũng nên phản hồi ngay với cơ sở sản xuất, DN và lực lượng chức năng để có những hành động và biện pháp xử lý kịp thời.

Kinh tế thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi quy luật cung, cầu và thị trường hàng giả, hàng nhái cũng không nằm ngoài quy luật, có cầu thì ắt sẽ có cung, có người mua sẽ có kẻ bán. Vì vậy, nếu NTD kiên quyết đấu tranh, lên án không tiêu thụ những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì chắc hẳn những kẻ kinh doanh, trục lợi từ các sản phẩm này sẽ không còn đất sống.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động